Báo cáo với đoàn công tác, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết thủy sản xuất khẩu tập trung ở các thị trường chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... và hầu hết các thị trường đều giảm sâu.
Chỉ riêng Trung Quốc, nhờ mở cửa hậu COVID-19, đã bắt đầu phục hồi từ tháng 2 nhưng chưa thể kéo được sự sụt giảm chung. Cập nhật đến 2 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt 1,1 tỉ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc họp gỡ khó cho các doanh nghiệp thủy sản vào ngày 27-3
Theo ông Trương Đình Hòe, trong bối cảnh hiện nay, các DN cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất ở mức chấp nhận được để giữ việc làm cho người lao động, bảo toàn vốn, chuẩn bị đón nhận cơ hội khi thị trường khôi phục. Với mặt bằng lãi suất như hiện nay, DN cũng không dám vay vốn để trữ hàng nên tình hình rất khó khăn.
"Đầu năm, khi Trung Quốc thông báo mở cửa, chúng tôi dự báo từ quý II/2023 xuất khẩu sẽ phục hồi nhưng với tình hình hiện tại, khó khăn có thể kéo dài đến tháng 6. Hiện các nhà nhập khẩu nước ngoài cũng gặp khó khăn về vốn và đang tập trung bán hàng tồn kho" - ông Trương Đình Hòe bày tỏ.
Tổng thư ký VASEP cũng chia sẻ về trường hợp một DN hội viên lần đầu tiên sử dụng tôm nhập khẩu để chế biến bán hàng trong nước, vừa tạo công ăn việc làm vừa có doanh thu giữa lúc xuất khẩu sụt giảm.
Theo quy định, tôm này phải kiểm dịch (nếu gia công xuất khẩu thì được miễn kiểm dịch) đã phát hiện tôm mắc bệnh nên bị phạt 150 triệu đồng, buộc tái xuất một lô hàng trị giá 200.000 USD - thiệt hại rất lớn. Việc DN bị phạt là đúng quy định nhưng rất đáng tiếc, nhất là giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay, lần đầu chưa nắm hết các quy định.
Đại diện một DN tham dự cuộc họp chia sẻ với phóng viên, ngoài những khó khăn thì dòng hàng sản phẩm giá trị gia tăng là điểm sáng của các DN thủy sản năm nay. Cụ thể, nhiều sản phẩm chế biến sâu (ăn ngay hoặc làm chín đơn giản) đang có nhiều đơn đặt hàng. Đây có thể là sản phẩm chủ lực của Việt Nam trong những năm tới.