Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May 10.
Tăng trưởng chững lại
Năm 2019 là năm khá "sóng gió" với ngành DMVN khi kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, tăng 7,2 % so với 2018, nhưng chậm hơn so với mức tăng trưởng xuất khẩu hai con số của những năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do những hệ lụy từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, trong đó, ngành sợi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những DN vừa và nhỏ phải gồng mình chịu lỗ khi đơn hàng đi Trung Quốc bị ép giá thấp. Nhiều DN may cũng rơi vào tình trạng "ăn đong", không còn lượng đơn hàng lớn, đặt dài hạn như trước và phần lớn cũng chỉ đủ đơn đặt hàng số lượng nhỏ đến cuối năm.
Chia sẻ về những khó khăn của DN, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt cho biết, để vượt khó, đơn vị đã tập trung củng cố và phát triển các thị trường xuất khẩu chính như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, trong đó đã phát triển được các khách hàng mới như: ANF, KNS, JFG, DYM, BNB, nhất là khách hàng ANF, BNB chuyển sản xuất về Việt Nam do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ðồng thời mở rộng hình thức hợp tác, tranh thủ khách hàng trong việc đầu tư máy móc thiết bị; phát triển hệ thống nhà thầu phụ gia công, qua đó góp phần đạt tổng doanh thu hơn 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5%; nộp ngân sách hơn 52 tỷ đồng, đạt 92,7% kế hoạch năm và bằng 91,2% so với năm 2018. Tương tự, Chủ tịch HÐQT Tổng công ty may Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương khẳng định, mặc dù công ty hoàn thành kế hoạch đề ra với tổng doanh thu đạt hơn 300 triệu USD nhưng chỉ nhỉnh hơn năm 2018 không đáng kể. Trong toàn hệ thống, có những đơn vị đạt mức tăng trưởng từ 3 đến 4% nhưng có những đơn vị sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thậm chí bị lỗ.
Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh, để giảm bớt những khó khăn về thị trường, DN phải đa dạng hóa thị trường, giảm lượng hàng tồn kho, tìm hướng sản xuất đầu tư mới nhằm chuyên biệt hóa sản phẩm. Ðồng thời, chủ động tìm hướng xuất khẩu sang các thị trường mới, nhận thêm các đơn hàng và bắt tay vào làm các sản phẩm mang giá trị thặng dư cao hơn. Ðiểm tích cực khi lượng đơn hàng xuất đi các thị trường trong hai hiệp định thương mại tự do: Hiệp định Ðối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EVFTA) đang từng bước tăng trưởng nhanh. Ðơn cử, với thị trường Ca-na-đa, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của DMVN vào khoảng 935,2 triệu USD thì năm 2019 đạt hơn 1,15 tỷ USD, tăng trưởng 23,2%. Ðây là mức tăng trưởng khá tốt so với mức tăng khoảng 13% năm 2018. Với những tín hiệu này, hy vọng các DN sẽ nhận ra tiềm năng của các thị trường này, nhất là với các DN nước ngoài để họ đầu tư vào những mắt xích mà Việt Nam còn yếu và coi đó là cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu. Khi xây dựng được một hệ sinh thái dệt may, dần tự chủ được nguyên phụ liệu đầu vào, chúng ta mới thật sự hưởng lợi từ những hiệp định này.
Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết thêm, với những yếu tố bất định, tâm lý nhà đầu tư và môi trường kinh doanh trở nên không chắc chắn cùng mức tăng trưởng chững lại của các nền kinh tế lớn khiến tổng cầu dệt may thế giới năm qua chỉ tăng khoảng 3%, thấp hơn mức tăng trưởng hằng năm khoảng 4 đến 5%. Trong đó, tăng trưởng nhập khẩu dệt may của các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều thấp hơn năm 2018 (Mỹ tăng 4,3% so với mức tăng 4,7%, Nhật Bản tăng 0,47% so với mức tăng 7,5%, Hàn Quốc tăng 0,15% so với mức tăng 12% năm 2018), đáng chú ý, nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU giảm 2,8% trong khi năm 2018 tăng trưởng 7,5%. Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu năm qua của Việt Nam không duy trì được mức tăng hai con số như những năm trước nhưng trong bối cảnh các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới đều tăng trưởng chậm lại như Ấn Ðộ, Băng-la-đét chỉ tăng khoảng 1 đến 2%; Trung Quốc, Pa-ki-xtan thậm chí giảm lần lượt 2,3% và 4,6%, tăng trưởng xuất khẩu DMVN vẫn duy trì vị thế dẫn đầu có thể coi là điểm sáng trong bức tranh mầu xám của xung đột thương mại.
Khắc phục các điểm "nghẽn"
Theo dự báo, triển vọng nền kinh tế toàn cầu năm nay vẫn trong tình trạng bấp bênh, vừa giảm tốc, vừa phục hồi không chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu xuất khẩu của ngành DMVN. Chủ tịch HÐQT Hugaco Nguyễn Xuân Dương tỏ ra lo lắng khi cho rằng, DMVN vẫn tiếp tục phải cạnh tranh giữa các nước có quy mô xuất khẩu lớn, cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Băng-la-đét, Ấn Ðộ, nhất là xu hướng đơn hàng dịch chuyển sang những nước này khá lớn. Do đó, các DN phải có giải pháp, chiến lược điều chỉnh về giá phù hợp nhằm thu hút đơn hàng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, một số thị trường nhập khẩu lượng hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, Hàn Quốc đang có dấu hiệu suy giảm. Phía Mỹ cảnh báo đưa Việt Nam vào diện theo dõi do đang xuất siêu vào Mỹ 47 tỷ USD, cho nên một số mặt hàng sẽ bị chịu thuế. Hàn Quốc thì sức tiêu thụ sụt giảm, chưa có dấu hiệu hồi phục. Thị trường EU cũng chưa thể khởi sắc trong một sớm một chiều.
Trên thực tế, ngành DMVN đang phải đối diện với thực trạng đơn hàng rất ngắn hạn, thương lượng đơn hàng, ký hợp đồng kéo dài, phức tạp và khó đoán trước tính chất mùa vụ. Năm 2019 xảy ra nhiều đợt thiếu hàng mang tính tức thời và dễ trở thành một "thường lệ mới" trên thị trường do hàng dệt may Trung Quốc bị áp thuế vào thị trường Mỹ, cho nên các nhà đặt hàng có xu thế đặt từng tháng để vẫn khai thác được lợi thế của nhà sản xuất Trung Quốc, nhưng cũng dễ dàng chuyển đi nếu các sắc thuế hết hiệu lực. Với ngành sợi, 18 tháng qua là thời gian khó khăn dài nhất trong lịch sử và sức chịu đựng của nhiều DN đã cạn kiệt. Với mức lỗ trung bình khoảng 5 tỷ đồng cho 10 nghìn cọc sợi, ước lượng năm qua ngành sợi Việt Nam lỗ khoảng 150 triệu USD. Như vậy, có thể dự báo ngành DMVN tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết, DMVN trong những năm qua đã tận dụng tốt lợi thế mở rộng thị trường, hưởng ưu đãi thuế từ quá trình hội nhập sâu, rộng của kinh tế Việt Nam; chi phí nhân công còn tương đối rẻ so với nhiều nước trong khu vực, lực lượng lao động dồi dào phù hợp cho phát triển dệt may. Tuy nhiên, nhiều bất cập cũng làm hạn chế sự phát triển, năng lực cạnh tranh và hiệu quả của DN như nguồn cung nguyên phụ liệu thiếu hụt và mất cân đối, tạo ra điểm "nghẽn" tại khâu dệt nhuộm, trong khi nhiều địa phương không khuyến khích phát triển dệt nhuộm do lo ngại gây ô nhiễm môi trường, may xuất khẩu vẫn gia công là chính, việc chuyển đổi lên các hình thức cao hơn như: FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm), ODM (thiết kế sản phẩm gốc), OBM (sản xuất thương hiệu gốc) diễn ra chậm; khối FDI chiếm khoảng 62% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nhưng thiếu liên kết, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, công nghệ với các DN trong nước; trình độ công nghệ, thiết bị phần lớn chỉ ở mức trên trung bình, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khâu xơ, dệt, nhuộm... Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của các DN, Chính phủ sớm phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp DMVN đến năm 2030, định hướng đến 2040. Chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho DN. Có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo dệt may, tạo điều kiện để các DN tiếp cận nguồn vốn, ưu đãi về thuế đất nhằm thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển...
Cùng chung quan điểm, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách tổng thể đẩy nhanh việc cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp DN có vị thế cạnh tranh tương đối bình đẳng với DN tại các quốc gia sản xuất dệt may trong tốp 5. Ðáng chú ý là chỉ tiêu về hiệu quả dịch vụ cảng biển; nguồn vốn cho DN vừa và nhỏ,... Có chính sách hỗ trợ trở lại cho các DN đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Quy hoạch khu công nghiệp dệt may quy mô 300 đến 500 ha/khu, số lượng khoảng 10 khu trên cả nước, có đầu tư đủ hạ tầng về xử lý môi trường để DN đầu tư sản xuất vải phục vụ chuỗi cung ứng. Có chính sách không thu thuế VAT khi sử dụng nguyên liệu trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu. Xem xét có khả năng cho vay lưu động bằng ngoại tệ với các DN có xuất khẩu thu ngoại tệ tương ứng,...
BÀI VÀ ẢNH: QUỲNH CHI - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)