Bỗng dưng bị tranh chấp
Chị Xuân là một người phụ nữ xông xáo và tháo vát. Chị gia nhập vào lĩnh vực sản xuất và cung cấp trang thiết bị học tập, trong đó có bảng viết cách đây đã gần 20 năm. Vốn dĩ nhanh nhẹn và có đầu óc kinh doanh tốt, từ một doanh nghiệp sản xuất nhỏ, Cty của chị đã nhanh chóng phát triển và có được những khách hàng lớn. Khách hàng ngày một đông khiến cho chị ngày càng bận và chị rất quan tâm đến việc sản xuất được những mặt hàng mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Chị vẫn nghĩ sản phẩm do công ty của mình sản xuất bao năm nay, khách hàng ai cũng biết, thì chẳng bao giờ có chuyện tranh chấp, tranh giành với những gì hiển nhiên thuộc về chị và có nhiều người làm chứng. Chính vì vậy, chị không đăng ký xin cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho những sản phẩm của Cty làm ra.
Nhưng cuộc đời chẳng ai biết được chữ ngờ. Một ngày chị nhận được thông tin từ một số khách hàng rằng, họ nhận được một văn bản từ một đơn vị cho rằng Cty của chị xâm phạm kiểu dáng công nghiệp đối với 4 thiết bị góc co bằng nhựa ở 4 góc bảng viết. Họ nói là đã được cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với mẫu co góc bằng nhựa mà bên chị đang sử dụng. Quá ngỡ ngàng và bất bình vì sự thật mẫu co góc bằng nhựa này Cty của chị đã sản xuất mười mấy năm rồi, trong khi bên tranh chấp mới xin cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có mấy năm nay, chị Xuân tìm đến luật sư để nhờ tư vấn pháp lý cho những thắc mắc của mình.
Biết vậy, tôi đã xin cấp văn bằng bảo hộ
Gặp luật sư, chị nói giọng đầy bực dọc: “Kiểu dáng ấy của tôi mà họ lại đăng ký”. Khoản 13, Điều 4 của Luật SHTT quy định: “Kiểu dáng công nghiệp hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của những yếu tố này”. Vậy một kiểu dáng công nghiệp muốn được bảo hộ thì phải đáp ứng những điều kiện gì? Điều 63 Luật SHTT quy định 3 điều kiện mà kiểu dáng công nghiệp cần phải đáp ứng nếu muốn được bảo hộ đó là kiểu dáng công nghiệp ấy phải có tính mới, có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Như vậy nếu chị Xuân muốn xin huỷ văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đã cấp cho đơn vị đang tranh chấp thì phải chứng minh được là kiểu dáng đó không đáp ứng được ít nhất một trong các điều kiện quy định tại Điều 63 Luật SHTT, ví dụ như không có tính mới hay tính sáng tạo vào thời điểm xin cấp văn bằng bảo hộ. Điều 65 Luật SHTT quy định về tính mới của kiểu dáng công nghiệp như sau:
1. Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
2. Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.
3. Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.
4. Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố: a) Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này; b) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học; c) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp được định nghĩa rõ ràng ở Điều 66 Luật SHTT: “Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng”. Còn khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Điều 67 Luật SHTT: “Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp”.