Theo Vietcraft, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới đang có nhiều chuyển biến và hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khách hàng quốc tế ngày càng yêu cầu nhiều hơn về các quy định hợp chuẩn, từ hợp chuẩn chất lượng, hợp chuẩn xã hội, hợp chuẩn an ninh...
Sau gần 3 năm thực hiện, được sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á và Bộ Ngoại Giao và Thương mại Úc, trên cơ sở khảo sát khách hàng nhập khẩu và doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, tiến hành các hoạt động can thiệp, Vietcraft đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống hợp chuẩn và chuẩn đoán hợp chuẩn trực tuyến cho các doanh nghiệp thuộc ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Quang cảnh buổi Hội thảo Hợp chuẩn của doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ để đẩy mạnh xuất khẩu
Ông Filip Graovac, Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam cho biết, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của khách hàng trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các nhà nhập khẩu ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề hợp chuẩn.
Ngày nay, các vấn đề hợp chuẩn được mở rộng rất nhiều, đòi hỏi các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cần có kế hoạch và chiến lược phù hợp để thích ứng tốt hơn với các yêu cầu đó.
Ngày nay, các vấn đề hợp chuẩn được mở rộng rất nhiều, đòi hỏi các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cần có kế hoạch và chiến lược phù hợp để thích ứng tốt hơn với các yêu cầu đó.
Hiện hầu hết khách hàng đều tự đánh giá nhà cung cấp theo tiêu chuẩn riêng của họ (như IKEA, Walmart, Target…) hoặc tham gia vào một tổ chức được công nhận rộng rãi như Better Work, SA8000, ICS, BSCI, SMETA… Nhưng gần đây, một số khách hàng ở Mỹ như Walmart cũng đang có xu hướng chấp nhận các chuẩn như BSCI hoặc SMETA mà không phải đánh giá lại trách nhiệm xã hội.
Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. Ảnh: Vietcraft
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Vietcraft cho biết, hàng thủ công Việt lỡ nhiều đơn hàng vì không hợp chuẩn. Khảo sát của Vietcraft cho thấy có 67,4% các nhà nhập khẩu yêu cầu nhà cung cấp Việt Nam hợp chuẩn trong vòng 1-5 năm trở lại đây. Có đến 80% khách hàng rất khó tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tuân thủ tốt hợp chuẩn để đặt hàng.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn chưa biết những yêu cầu này hoặc biết nhưng chưa thực hiện đúng, dẫn đến kết quả là nhiều đơn hàng lớn mà khách hàng muốn đặt mua tại Việt Nam cuối cùng không thực hiện được.
Cũng theo ông Ngọc, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng hợp chuẩn do hệ thống luật pháp Việt Nam chưa hoàn thiện, không đồng bộ và nằm rải rác. Nhiều mục khách hàng yêu cầu lại không có quy định trong luật pháp Việt Nam. Sản xuất hàng còn phụ thuộc nhiều vào làng nghề, khó khăn trong việc quản lý sản xuất và đáp ứng yêu cầu hợp chuẩn.