Nhiều quyết định chưa thi hành xong
Trên địa bàn tỉnh Long An, từ ngày 1/1/2018 đến 31/7/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 372 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền và đã thi hành xong 161 quyết định, chưa thi hành xong 211 quyết định (chưa thi hành toàn bộ là 87 quyết định).
Trong số chưa thi hành xong, tính đến giữa tháng 8/2019 còn 92 quyết định còn hiệu lực thi hành, 119 quyết định hết thời hiệu thi hành (trong đó có phần biện pháp khắc phục hậu quả còn hiệu lực thi hành).
Ngoài ra, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 15/10/2019 quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện đã ban hành là 96.171 quyết định. Trong đó, đã thi hành xong 89.938 quyết định, chưa thi hành xong 6.233 quyết định (chưa thi hành toàn bộ là 5.886 quyết định).
Ngoài việc nhiều quyết định xử phạt hành chính chưa thi hành xong, hoặc hết thời hiệu thi hành thì việc tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực xây dựng vẫn gặp nhiều khó khăn
Trong số chưa thi hành xong, tính đến ngày 8/11/2019, có 3.397 quyết định còn thời hiệu thi hành, 2.836 quyết định hết thời hiệu thi hành (trong đó có phần biện pháp khắc phục hậu quả còn thời hiệu thi hành).
Nhiều nguyên nhân
Tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa IX, đại biểu cũng đã có phiếu chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này. Theo trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần, việc các quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa thi hành xong xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều bất cập, chưa thật sự đầy đủ, khó thực hiện trong thực tiễn, nhất là việc thu thập thông tin về tài khoản hoặc thu nhập của tổ chức, cá nhân vi phạm; kê biên tài sản.
Đối tượng vi phạm có nơi cư trú không ổn định hoặc bỏ đi khỏi địa phương sau khi vi phạm; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang bị tạm giữ có giá trị nhỏ, người vi phạm sẵn sàng bỏ tài sản đang bị tạm giữ và không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Đối tượng vi phạm là người ngoài tỉnh, trong khi cơ chế phối hợp trong tổ chức thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều hạn chế; một số đối tượng không có tài sản để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế chưa thể chấp hành quyết định xử phạt.
Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND tỉnh, một số đối tượng cố tình trốn tránh, không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền đã mời làm việc nhiều lần nhưng vẫn không chấp hành hoặc đã tẩu tán tài sản để không phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tổ chức vi phạm đã ngưng hoạt động, bỏ địa điểm kinh doanh hoặc đã giải thể; một số trường hợp địa chỉ của đối tượng vi phạm ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã thay đổi nên không thể tổ chức thi hành quyết định. Chi phí thực hiện cưỡng chế cao hơn nhiều so với mức phạt tiền nên các đơn vị không tích cực thực hiện việc cưỡng chế.
Song song đó, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả thiếu thường xuyên, kiên quyết dẫn đến các cơ quan, đơn vị được giao theo dõi, kiểm tra chưa thực hiện hết trách nhiệm…
Trả lời đại biểu có phiếu chất vấn về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần cho biết, trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng các quyết định xử phạt vi phạm hành chính tồn đọng chưa thi hành thì tỉnh sẽ kiến nghị cấp trên, có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Qua đó, làm cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tổ chức thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính triệt để, đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện nghiêm túc các nội dung, giải pháp về công tác xử lý vi phạm hành chính trong thời gian tới, nhất là việc rà soát các quyết định chưa thi hành xong. Từ đó, xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương trong việc chậm tổ chức thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và có biện pháp xử lý những sai phạm./.
Theo UBND tỉnh, việc tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai, xây dựng thực tiễn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc người dân san lấp mặt bằng trên đất lúa để xây dựng công trình, khi trả lại hiện trạng ban đầu thì chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Cụ thể, khối lượng vật liệu xây dựng đã san lấp được xử lý thế nào và khắc phục hậu quả đến đâu thì chưa rõ.
Một số công trình xây dựng nhà ở, cơ quan có thẩm quyền đến lập biên bản đình chỉ thi công, trong thời gian chờ người có thẩm quyền ra quyết định lại tiếp tục vi phạm, không có chế tài ngăn chặn. Đến khi công trình hoàn thành thì rất khó cưỡng chế tháo dỡ. Công trình xây dựng nhà ở vi phạm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nhưng lại không phù hợp với quy hoạch xây dựng. Nhiều trường hợp thực hiện dự án đầu tư, sau khi hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, người vi phạm không còn đất để di dời nên xây dựng trái phép hoặc người dân đang sinh sống trên đất vi phạm nên không tự nguyện tháo dỡ.
|
Lê Đức - (baolongan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)