Đi theo quốc lộ 32, tới đèo Khau Phạ (theo tiếng người dân tộc Thái, Khau Phạ nghĩa là Sừng Trời) là chạm đất Mù Cang Chải. Nắng thu như rót vàng lên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, nối nhau kéo dài tới chân trời. Tên bản, tên xã nơi đây cũng chân thành và mộc mạc như: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Có ... Những cái tên mang đậm dấu ấn miền sơn cước đó cứ lần lượt xuất hiện.
Chiếc khèn bè của người dân tộc Mông được lấy làm biểu tượng cho huyện Mù Cang Chải. Người dân tộc Mông chiếm phần lớn dân số của huyện sơn cước này. Họ đã tạo nên danh thắng ruộng bậc thang kì vĩ mà ít nơi nào có được.
Đất Mù Cang Chải cao và dốc lên đến lưng chừng trời. Đây là nơi sinh sống của bà con người Mông. Công cuộc dẫn nước nhập điền trên triền núi cao cũng đủ thấy sự kiên trì và nhẫn nại của bà con người Mông. Đời nọ nối tiếp đời kia đã tạo nên thững thửa ruộng bậc thang mềm mại nối nhau dài tít tắp. Ai đã một lần đến với đất này đều ngẩn ngơ trước vẻ đẹp có một không hai ở miền Tây Bắc.
Đầu tháng 10 cũng là lúc lúa chín. Bà con người Mông thu hoạch lúa mùa. 1 năm họ chỉ trồng cấy được một vụ.
Những thửa ruộng bậc thang bám vào triền núi là công trình nghệ thuật của bao thế hệ người Mông nối tiếp nhau xây dựng nên.
Nụ cười hồn nhiên miền sơn cước làm du khách quên đi bao mệt mỏi của chặng đường dài.
Người phụ nữ Mông - hình ảnh rất đỗi thân quen ở Mù Cang Chải. Họ làm việc từ sáng cho đến khi mặt trời lặn. Hết đi nương, việc nhà, việc cửa rồi ngồi thêu thùa.
Những ngôi nhà đơn sơ được dựng lên cạnh ruộng bậc thang.
Công trình nghệ thuật kỳ vĩ của bà con người Mông ở đất Mù Cang Chải.
Đứng ở bất cứ góc nhìn nào, du khách cũng bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang dài tít tắp.
Hình ảnh dễ dàng bắt gặp khi lên đất Mù Cang Chải.
Để tạo nên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, bao thế hệ người Mông đã nối tiếp nhau kiên trì, nhẫn lại tìm cách san núi, dẫn thủy nhập điền.
Mùa vàng trên đất Mù Cang Chải.
Những bản làng người Mông đã góp phần tạo nên danh thắng kỳ vĩ nơi lưng chừng trời.