Để đẩy mạnh hoạt động thu hút khách du lịch, huyện Thoại Sơn đã triển khai thực hiện trùng tu nhiều công trình, di tích như: đình Thoại Ngọc Hầu, Phan Thanh Giản, Trung Phú Hữu, Định Mỹ, miếu Vĩnh Phước, Linh Sơn tự. Bên cạnh tiếp tục thực hiện dự án Khu du lịch lòng hồ số 2, số 3, với diện tích trên 13,5ha để xây dựng Thiền viện Trúc Lâm An Giang nhằm phát triển du lịch theo hướng tâm linh thì lòng hồ số 1 (hay còn gọi là “Hồ Ông Thoại”) cũng đang tiếp tục duy trì, tôn tạo, sửa mới để thu hút khách du lịch. Về du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, huyện đang tập trung đầu tư, hướng dẫn nhiều nhà vườn chỉnh trang vườn tược, cây trái, tăng cường tập huấn, kỹ năng làm du lịch để người nông dân có cái nhìn và định hướng đúng đắn khi làm du lịch theo kiểu miệt vườn.
Du lịch miệt vườn đang dần trở thành xu hướng phát triển ở nhiều địa phương
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Lê Minh Thảo cho biết: “Với lợi thế nằm trên trục đường du lịch chính của huyện, những năm gần đây, chúng tôi đã định hướng người dân trồng vườn cây ăn trái kết hợp du lịch nhằm giữ chân du khách lâu hơn khi đến đây. Địa phương đã triển khai kế hoạch phát triển du lịch của xã để bà con nắm mà có hướng đầu tư, phát triển phù hợp. Hiện, địa phương có 6 điểm du lịch sinh thái như: vườn táo Huỳnh Anh, quán võng 28, khu du lịch sinh thái Hana Bana… với những cây ăn trái quen thuộc như: xoài, cam, táo... Địa bàn xã có 28ha vườn tạp và đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi cây ăn trái. Nhìn chung, tất cả đều mang đến nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, nếu tận dụng tốt các vườn cây ăn trái sẵn có để phát triển du lịch thì tương lai, Vĩnh Trạch sẽ là nơi dừng chân khá lý tưởng cho du khách”.
Nhắc đến vườn cây ăn trái ở Vĩnh Trạch, không thể bỏ qua vườn táo Huỳnh Anh. Đây được xem là một trong những vườn cây ăn trái thu hút nhiều khách đến tham quan, vui chơi từ lâu trên địa bàn xã. Với diện tích 2.500m2, vườn trồng khoảng 110 gốc táo đã được 24 năm. Mỗi khi đến mùa táo, ngoài bán trái tại vườn, khách có thể vào tham quan và được “bao bụng” với “phí” là 30.000 đồng/người. “Từ khi chuyển từ diện tích đất vườn tạp sang trồng táo, tôi đã có ý tưởng cho khách vào tham quan. Kỹ thuật trồng táo không quá khó, chủ yếu cực ở công đoạn làm và vệ sinh đất trồng. Khi cây bắt đầu cho trái, cần thường xuyên tỉa nhánh để trái phát triển tốt. Mỗi khi hết một mùa táo, tôi đều cưa hết các nhánh, chỉ chừa lại gốc và tập trung chăm sóc. Khoảng 7 tháng sau là táo lại cho trái say và trĩu cành. Nếu không bỏ nhánh thì năng suất mùa sau sẽ không cao. Đó là kinh nghiệm sau nhiều năm gắn bó với vườn táo. Trung bình 1 mùa táo, tôi thu về khoảng 70 triệu đồng, đây là loại cây chủ lực nuôi sống gia đình tôi từ trước đến nay. Tuy giá không quá cao so với nhiều loại cây trồng khác nhưng nhẹ công chăm sóc, ít tốn chi phí nên cuộc sống của tôi khá ổn định” - anh Trương Văn Tường (sinh năm 1967, ngụ ấp Vĩnh Trung, xã Vĩnh Trạch) bộc bạch.
Khoảng 4 năm nay, vườn táo Huỳnh Anh được anh Tường “nâng cấp” bằng việc trồng toàn bộ 110 gốc trong mùng lưới. Theo chủ vườn, việc trồng trong mùng lưới, thu hoạch đạt năng suất cao hơn. Vì trái táo tránh bị côn trùng đục trái gây hư hao, thất thoát nhiều khi vào mùa vụ. Nhớ lại thời điểm chưa bao mùng lưới cho vườn, anh Tường cho biết có thể bị hao hụt hơn 50% năng suất mỗi khi thu hoạch. Còn nay, tỷ lệ hao hụt táo gần như không có. “Vườn táo này là nơi đến khá thú vị cho những người yêu thích trải nghiệm thiên nhiên. Tôi và gia đình cũng rất thích đến đây mỗi khi vào mùa táo. Ngoài học sinh thì các gia đình thường đến đây thư giãn vào thứ bảy hoặc chủ nhật để hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng trái táo ngọt thơm do chính tay mình hái. Nếu mua đem về, giá mỗi ký được tính là 30.000 đồng. Từ khi lên mùng lưới, táo ở đây ít bị sâu hơn. Dù trái không quá to nhưng rất ngon ngọt” - anh Đặng Văn Dũng (sinh năm 1962, ngụ xã Vĩnh Trạch) chia sẻ.
Một điểm du lịch sinh thái được đầu tư khá kỹ lưỡng mới được ra mắt gần 2 tháng nay trên địa bàn Vĩnh Trạch là Hana Bana. Chắc chắn đây sẽ là trải nghiệm thú vị cho những ai yêu thích phong cảnh miệt vườn thơ mộng, hữu tình. Ngoài trải nghiệm những trò chơi dân gian: đu dây, giữ thăng bằng trên mặt nước, du khách còn được thư giãn với việc câu cá và thưởng thức “chiến lợi phẩm” với nhiều cách chế biến đậm chất miền Tây như: nướng trui, chiên xù, nấu chua… Được bao bọc bởi vườn cây ăn trái xum xuê, đủ các loại quả từ dừa, cóc, xoài, ổi… với cách bày trí dân dã nhất, khách đến tham quan sẽ tìm được phút giây bình yên nhất, giải tỏa bao căng thẳng, mệt nhọc của cuộc sống. Song, để du lịch sinh thái của địa phương đủ sức giữ chân du khách lâu hơn thì người nông dân cần có tư duy mới lạ, sáng tạo trong cách làm du lịch.
Để thu hút du khách đông hơn nữa, địa phương cần có những sản phẩm, dấu ấn riêng để khẳng định vị trí và sức thu hút của mình với mô hình du lịch sinh thái đang vừa thừa, vừa thiếu như hiện nay. Đặc biệt là sự chuyên nghiệp trong phục vụ vì đó là điểm cộng khá lớn với bất kỳ điểm du lịch nào trên cả nước.