Trà ướp sen Hồ Tây.
Xuất xứ nguồn gốc tục uống trà được công nhận khởi nguồn từ Trung Quốc cách đây hàng mấy ngàn năm; trà ban đầu như một thức uống chống buồn ngủ cho các tăng sĩ, nhà tu trong lúc ngồi thiền công phu. Từ đó, con đường đi của trà tỏa ra khắp thế giới, với nhiều cách thức, nghi thức uống trà khác biệt.
Tiếp nhận sau đó thật lâu, đến khoảng thế kỷ thứ VII, trà mới du nhập theo các văn hóa khác vào Nhật Bản qua con đường của các tăng lữ và đã hình thành nên nền văn hóa trà đạo (shadoo), nó hợp thành cùng với văn hóa thiền phát triển rực rỡ trên xứ sở mặt trời mọc cho đến ngày nay.
Ở Srilanka, có loại trà đỏ mà sao này du nhập qua phương Tây, rồi hình thành nên nét uống trà “công nghiệp” với thương hiệu trà lipton.
Ở Mông Cổ, với những thảo nguyên mênh mông, dân tộc này có cách thức uống trà với sữa dê, đó là văn hóa du mục và những cánh đồng chăn nuôi lớn. Riêng ở Việt Nam, chúng ta cũng hình thành cách uống trà riêng và trà trở thành thức uống có mặt hàng ngày trong mỗi gia đình.
Đặc biệt ở nước ta, hầu hết mỗi gia đình đều có bộ trà trên bàn khách, có thể gọi như hình thức trà lễ. Nhưng chung quy lại, có lẽ người Nhật là duy nhất đã đưa lên thành trà đạo và cũng là nơi đưa vào dịch vụ du lịch một cách hoàn mỹ nhất, khi tiệc trà cho mỗi du khách trải nghiệm không dưới khoảng 50USD. Ở xứ ta vẫn có thể khai thác nét đẹp văn hóa này theo cách thức riêng của mình, trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Là người theo học shadoo và ikebana (nghệ thuật cắm hoa), cô bạn Hashiba Michoko đã từng chỉ dẫn tôi tìm hiểu đôi chút về những tiệc trà.
Ở khu Bunkokku (Tokyo), để trải nghiệm tiệc trà đạo, mỗi khách phải bỏ ra số tiền khá đắt nhưng vẫn cảm thấy thật xứng đáng, từ ấn tượng đầu tiên bước qua những con đường ngoằn ngoèo để bước vào thế giới của thiền đạo trong các trà thất (chajitsu) cất bằng những vật liệu tre lá thô sơ, mỗi căn phòng thật đơn sơ không bày biện gì ngoài bộ pha trà, 1 bình hoa (ikebana) và 1 bức thư pháp.
Căn phòng được mở ra hướng phong cảnh khu vườn, con suối thật yên tĩnh. Mỗi tiệc trà kéo dài khoảng 45 phút, khách không chỉ uống trà mà còn cảm nhận được cả một không gian văn hóa thiền thấm đẫm trong từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Trà không còn là một thức uống bình thường nữa.
Khái lược về tiệc trà đạo (thực tế rất phức tạp) để dễ có sự dẫn dắt liên hệ về trà Việt, chúng ta cũng có niềm tự hào riêng, nét đẹp văn hóa riêng, có thể nâng lên thành những tiệc trà cao cấp đưa vào các dịch vụ du lịch, tùy theo khung cảnh, hoàn cảnh của mỗi chương trình tour, mỗi nhóm khách có yêu cầu riêng.
Trước đây, chương trình phục vụ trà Việt của Công ty CP Du lịch Cửu Long, khởi đầu từ nhà xưa Tám Phấn (xã Long Phước- Long Hồ), có thể gọi là điểm nhấn độc đáo, sau đó được nhân rộng ra ở một số điểm homestay ở cù lao.
Điều này cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể đưa trà vào trong các dịch vụ du lịch, vấn đề là cần xây dựng nên một chỉnh thể văn hóa cao cấp, riêng biệt; đồng thời cần giới hạn đối tượng khách, không nên đưa vào đại trà nó dễ làm hỏng đi sản phẩm đòi hỏi cao ở cả người phục vụ lẫn đối tượng thưởng thức.
Câu chuyện về trà Việt càng đem lại cho bản thân tôi niềm tự hào hơn, khi vừa mới đây được thưởng thức những ấm trà sen tươi được người anh mang từ Hà Nội về, cũng đang là mùa sen nở rộ.
Cảm nhận nét đẹp tinh tế trong sự hòa điệu ngọt ngào giữa trà Việt và quốc hoa, mà có thể nghĩ đến xa hơn là những tiệc trà cao cấp trong một không gian đậm đặc văn hóa vùng miền trên khắp đất nước này.
Mong sao câu chuyện trà Việt sẽ lại tiếp tục ở vùng đất Nam Bộ, vùng đất Vĩnh Long, cùng với các loại trà tuyệt hảo cùng với từng cách thức thưởng thức riêng trong từng không gian phù hợp; để du lịch không chỉ nghĩ đến việc bán sản vật mà là giới thiệu những nét đẹp văn hóa riêng trong tổng thể nền văn hóa vô cùng độc đáo, phong phú của dân tộc.