Hồng chung xứ đạo

Thứ năm, 18 Tháng 7 2019 10:39 (GMT+7)
Trong nắng chiều vàng ruộm, đổ xiên xiên, chạng 4 giờ, đứng trên cầu Cái Mơn Lớn (Chợ Lách) ngắm nhìn quang cảnh hằng bao nhiêu chiếc xuồng, ghe từ trong vườn, từ những xẻo, lạch gần xa, đưa cả đoàn người xiêm y tươm tất, áo dài hoa, dù lộng nhiều màu, hớn hở lũ lượt về đây dự buổi lễ chiều. Thuyền ghe to, nhỏ đủ loại đậu kín cả một khúc sông. Đấy là khung cảnh chỉ có ở nhà thờ Cái Mơn. Nó bộc lộ rõ nét nền văn minh tín ngưỡng mang đậm sắc thái miệt vườn sông ngòi xẻo lạch. Có lẽ hình ảnh sinh hoạt, nền nếp ấy đã hình thành từ rất lâu và còn giữ mãi cho đến tận ngày nay.

Xứ đạo bình yên

Cái Mơn là một địa danh thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Theo tư liệu do người Pháp để lại, Cái Mơn là nói trại từ nguyên ngữ Pháp Caiman nghĩa là Cá sấu mõm dài, một loài cá sấu nước ngọt ăn cá. Có thể ngày xưa, thuở đất đai còn hoang vu rậm rạp, nơi đây có nhiều cá nên loài sấu ấy tập trung sinh sống. Địa danh này do các linh mục Thừa sai dòng Francisco đặt ra. Được hình thành từ năm 1700 do giáo dân từ Thanh Hóa, Phát Diệm - Ninh Bình, Phú Yên - Bình Định… chạy vào để trốn tránh sự truy nã gắt gao vì chính sách cấm đạo của triều đình nhà Nguyễn.

Cũng có một giả thuyết cho rằng Cái Mơn xuất phát từ chữ Kh-mum trong âm ngữ Khmer Nam bộ bản địa, nghĩa là mật ong. Nơi cây cối tốt tươi thì có nhiều đàn ong về xây tổ làm mật là lẽ đương nhiên. Những luồng ý kiến đó ý nào nghe cũng hay và cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Chợ Lách nói chung, Cái Mơn nói riêng, là vùng đất trũng thấp từ bao đời được bồi đắp bởi phù sa hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Nên cấu tượng thổ nhưỡng hoàn toàn là đất thịt, vô cùng màu mỡ, nước ngọt quanh năm, khí hậu mát mẻ ôn hòa. Do vậy mà xứ này cây cối, bông hoa luôn luôn xanh tốt. Từ lâu đã đưa ra thị trường những thứ trái cây cao cấp như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn xuồng cơm vàng… xứng ngôi hoàng hậu một thời. Tết nhứt, cúc mâm xôi, tắc, mai, đủ các loại hoa… vô giỏ, chậu tung hoành khắp nơi, được mọi người yêu thích, chọn mua. Dần dà Cái Mơn phát triển ngành nghề ươm cây giống ngày càng lớn mạnh, uy tín. Trở thành đầu nguồn, nơi xuất phát của vô số loại cây ăn trái, lan tỏa khắp đồng bằng sông Cửu Long và bán ra đến tận miền Trung, Tây nguyên. Tiếng tăm vang dội, từ đó nghiễm nhiên hình thành mỹ danh “Vương quốc cây giống”.

Người Cái Mơn hầu hết đều là những con chiên Thiên Chúa ngoan đạo. Chỉ cần nghe tán thán từ (interjections) cửa miệng “Chúa ôi!” họ thường sử dụng thì cũng đủ hiểu. Người Cái Mơn hiền lành, đứng đi chậm rãi, ưa sống đời nhàn hạ, tỉ mỉ khéo tay, rất có khiếu văn nghệ, sáng tác thi phú, âm nhạc, giỏi đàn ca, hát múa. Con gái Cái Mơn gương mặt tròn trịa xinh xắn, mắt hai mí. Dáng dấp đầy đặn, ngực nở eo thon. Chắc ở trong mát, dưới bóng râm nhiều nên nước da họ trắng ngần như men sứ, và mỏng đến độ thấy rõ cả gân xanh, đẹp đến mê hồn. Giọng thanh tao, lời ăn tiếng nói của họ cũng khoan thai nhỏ nhẻ.

Một sớm mùa Đông bát ngát, ngắm mấy cô thôn nữ xúng xính áo len, khúc khích chuyện trò, chuyền nhau từng giỏ hoa kiểng rực rỡ muôn màu xuống ghe bầu, lên xe tải đưa ra chợ Tết, đẹp không thể tưởng. Khiến cho lữ khách bàng hoàng chôn chân không tài nào dời bước. À, cách sắp xếp giỏ, chậu hoa vào khoan ghe hàng, xe tải tầng tầng lớp lớp khít rim mà không chèn ép, xô gãy nhau là cả một nghệ thuật đã được nâng lên thành kỹ thuật chuyên nghiệp, thợ thầy rồi đấy nhé. Không phải ai cũng làm được đâu.

Hồng chung vang vọng

Phải nói, hệ thống giao thông cầu đường của Chợ Lách là cực kỳ hoàn chỉnh. Cầu bê-tông vĩnh cửu rộng thênh thang, đường cấp phối đổ nhựa nóng dầy chặt ngon lành, chạy êm ru. Nó giúp cho giao thương thêm phần thuận lợi. Là nền tảng thúc đẩy cho kinh tế tiến bộ nhanh chóng, vượt bậc. Đi cùng, văn hóa, xã hội và bộ mặt nông thôn mới cũng phát triển theo.

Về đây, ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ nhất có lẽ là nhà thờ giáo xứ Cái Mơn. Không cao to, đồ sộ, cầu kỳ, nó mang nét dung dị, phối hợp hài hòa với khung cảnh sông nước, vườn cây hoa trái xanh um. Đứng trên cầu Cái Mơn Lớn, ở một độ cao vừa phải, du khách cảm thấy như đang ngắm một kiến trúc pha trộn, xưa không xưa lắm mà mới cũng không mới lắm. Nhưng kỳ thực, nhà thờ Cái Mơn được xây dựng từ rất lâu. Hiện vẫn còn lưu dấu tấm bia đá trước cổng: Nhà thờ Cái Mơn tiên khởi năm 1702. So sánh thời gian biểu với những nhà thờ lớn lừng danh khác như nhà thờ Trà Cổ - tỉnh  Quảng Ninh - xây dựng năm 1857, Vương cung thánh đường - Nhà thờ đức bà - Sài Gòn được đặt viên đá đầu tiên vào năm 1863, nhà thờ Chánh tòa Hà Nội hoàn thành năm 1886… thì thấy bề dầy lịch sử về sự ra đời của nhà thờ Cái Mơn to tát như thế nào. Có thể nói, nó là ngôi nhà thờ lâu đời nhất nước ta.

Ngủ một đêm, mới sớm tinh mơ, khi trời chưa rạng, du khách chợt bàng hoàng khi chuông nhà thờ giáo xứ Cái Mơn đổ báo vào lễ Nhứt. Những hồi chuông làm lay động thinh không, làm cỏ cây bừng tỉnh, làm say đắm cả lòng người. Những hồi chuông mang nhiều âm sắc bổng trầm. Âm bổng như từ mút mị trời cao, ngay trên đỉnh đầu đáp xuống. Thanh trầm đồng vọng như từ lòng đất gầm lên. Chúng đua nhau dội vào những bức tường đá văng ngược trở ra. Tạo nên hiệu ứng tiếng vang (écho) quá đỗi tuyệt vời. Những tiếng chuông sau trước hòa quyện với nhau hay không thể tả. Có thánh thót tươi vui, có khàn đục trầm buồn. Nó thức tỉnh đức tin, bỗng chốc khiến con người trở nên thánh thiện, muốn lánh dữ làm lành. Mê hoặc đến mức người viết phải dùng làm tiêu đề: “Hồng chung xứ đạo”.

 Bộ đại hồng chung của nhà thờ giáo xứ Cái Mơn có đến 6 chiếc. Là một điều rất lạ so với các nơi. Tất cả những quả chuông này đều được chế tác công phu từ một lò đúc gia truyền nổi tiếng bên Pháp, trong nhiều năm, suốt từ 1876 đến 1893. Những quả chuông có kích cỡ, trọng lượng, to nhỏ, nặng nhẹ, dày mỏng khác nhau. Bởi thế nên mới phát ra được những cung bậc âm thanh đục trong, cao thấp hay đến vậy. Và trên mỗi chiếc chuông đều được khắc ghi thánh danh, tên họ những người cung hiến.

Và đặc biệt hơn cả là cách đổ chuông. Ngày xưa nhà thờ Cái Mơn không xây tháp chuông. Thay vào đó là nhà chuông. Một gian nhà trệt, mái ngói, cột gỗ dựng mé phải nhà thờ, sát với tường bao, cập mé lộ. Bộ đại hồng chung được lắp trên giàn vì kèo rất chắc chắn, có bàn đạp. Nên thay vì dùng dây kéo chuông hoặc giật chuông thì đến buổi, các soeur dùng chân để đạp.

Từ năm 2000, do nhu cầu mở rộng quốc lộ 57, vả lại giàn gỗ của nhà chuông cũng đã quá lâu năm, xuống cấp, hư mục nên bộ đại hồng chung được vận chuyển, di dời lên ngôi tháp 9 tầng, cao 54 mét cho đến nay. Tòa tháp thoạt nhìn mang dáng dấp một ngón tay chỉ thẳng lên trời. Hay nhìn theo chiều ngược lại, như tia sáng thánh linh từ trời cao soi rọi xuống. Vào dịp Giáng sinh, từ ngọn tháp vô số đèn chớp đầy màu sắc treo dài dằng dặc, tỏa rộng khắp khuôn viên nhìn rộn rã, đẹp cuốn hút khó tả. Nhìn như cây thông Noel sáng bừng, như ngôi sao chỉ lối cho ba vì vua phương Đông trong ngày Chúa hài đồng giáng thế trong máng cỏ hang lừa. Được biết, tất cả 6 quả chuông đồng này trải bao năm tháng hầu như không hề suy suyển, vẫn nguyên vẹn y như thuở ban đầu. Và chúng sẽ còn ở đó, vang vọng mãi vài trăm năm thậm chí vài ngàn năm nữa như một lời cảnh tỉnh đến muôn đời.

Nhưng với những tâm hồn hoài cổ, dù thế nào chăng nữa, người ta cũng cảm thấy hơi vấn vương tiếc nhớ, ngưỡng vọng về căn nhà chuông ấm áp, bình dị, gần gũi một thời.

Mùa sầu riêng.  Ảnh: Nguyễn Dừa

Mùa sầu riêng.  Ảnh: Nguyễn Dừa

Nơi chào đời của Pétrus Trương Vĩnh Ký

Đến đây, du khách không thể nào không đến viếng nhà bia lưu niệm được xây dựng trên nền đất ngôi nhà xưa, nơi chào đời của một thiên tài kiệt xuất lừng danh: Pétrus Trương Vĩnh Ký, cách nhà thờ Cái Mơn không xa. Ông đã được các nhà học thuật châu Âu cùng thời liệt vào hàng một trong 18 vị bác học lỗi lạc hàng đầu thế giới. Ông thông thạo đến 27 ngoại ngữ. Uyên bác, viết thành sách và giảng dạy về rất nhiều lĩnh vực như văn hóa Đông Tây kim cổ, ngôn ngữ, từ điển, văn chương, sưu tầm, biên khảo, lịch sử, địa lý… Là người đầu tiên biên soạn pho sách lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp. Đã có công hiệu chỉnh, sắp xếp lại cách viết, cách đọc, ráp vần tiếng Việt một cách hợp lý, khoa học, dễ hiểu hơn. Và có lẽ công lớn nhất của ông là vận động, khuyến khích, phổ cập chữ quốc ngữ đến mọi tầng lớp người Việt. Tờ Gia Định Báo do ông thành lập cũng là tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

Đó chính là ông, là Pétrus Trương Vĩnh Ký, là một nhân vật tiêu biểu, là niềm tự hào, là điển hình truyền thống khoa cử sách đèn, thông minh, chăm chỉ dùi mài, hiếu học của người dân Cái Mơn, Chợ Lách nói riêng và toàn thể tỉnh Bến Tre nói chung.

Ẩm thực miệt vườn

Khái quát về nét văn hóa ẩm thực của xứ Cái Mơn, Chợ Lách mang đậm dấu ấn văn minh miệt vườn. Quanh năm thịt heo hầu như là món ăn chính cho bữa cơm của mọi gia đình. Ngoài chợ hồi nào cũng có bán cùng với tôm, cá sông nước ngọt. Thường thấy nhất là cá tra, cá lóc, điêu hồng. Cá điêu hồng này mà chưng với rau cần tàu để nguyên cả gốc nhậu “bắt gân” lắm nhé! Thịt bò cũng có lai rai. Còn cá biển thì từ nơi khác chở tới, giá cao lên bộn. Vậy nên người nơi đây khoái đồ biển dữ lắm. Nghêu sò, cá đuối, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc…, đến con cá kèo của vùng nước lợ họ cũng mê. Còn như cá khoai, thứ cá mình nước, khó bảo quản, thì dẫu thèm cũng đành chịu nhịn!

Về đây, món điểm tâm sáng được mọi người ưa thích là cháo lòng. Tô cháo lòng bên dưới lót giá sống, ăn kèm với bún cọng khá to giống như bên huyện Thạnh Phú. Miếng lòng xắt mỏng, đủ bộ phổi, phèo, lưỡi, cật, bao tử…

“Sáng ngày bầu dục chấm chanh,

Trưa cháo cá lóc, chiều canh cá chài!”

Là một tiêu chuẩn cuộc sống hưởng thụ của người nhàn hạ, dư dả. Có những quán còn cho vào mỗi tô cháo đương nóng hôi hổi một ít huyết hậu. Huyết hậu là huyết không đông người ta múc trong bụng con heo lúc vừa mới mổ. Hòa với cháo nóng nó hơi chín lại, kết tủa khiến tô cháo chuyển sang màu huyết dụ, sền sệt và ăn dường như ngọt hơn, đậm vị hơn.

Người Chợ Lách, Cái Mơn cũng như khắp Bến Tre không ăn tiết canh heo như người miền Bắc. Họ không dị đoan, thường ăn tiết canh ngày đầu và giữa tháng âm lịch cho… tài vận đỏ! Họ rất vệ sinh trong việc ăn uống nên hầu như bệnh liên cầu lợn xảy ra trên người chưa hề thấy.

Cũng cần nhắc thêm, Chợ Lách là địa phương ưu thế về thiên nhiên sông ngòi nên có hệ thống nước sạch dẫn ống đến từng hộ gia đình đầu tiên của tỉnh Bến Tre từ trước năm 1998. Trong đó còn có cả mạng lưới do tư nhân điều hành tham gia nữa. Từ nước sạch, đã giảm thiểu tối đa bệnh phụ khoa và sự lây nhiễm khuẩn E-Coli - xin đọc là I-cô-lai- trong Chương trình nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Ăn thịt mỡ heo hoài cũng ngán. Ở Cái Mơn có món mắm cá trèn ngon hết xẩy. Ấn tượng tới mức thành câu hát ru em:

“Con cá thờn bơn sầu ai méo miệng.

 Con cá trèn bầu nhiều chuyện trớt môi”!

Cá trèn có nguồn gốc bên Biển Hồ, Căm Bốt, hàng năm theo mùa nước đổ bơi xuống hạ lưu. Nó có cái miệng thề lể, hàm dưới dài hơn hàm trên nên mắc oan trong lời phong dao hài hước ấy. Giống cá này có 3 loại: Trèn bầu, bụng to, màu vàng xanh, thịt mềm. Trèn răng, mình dẹp, răng hở, vảy ánh bạc, nửa giống cá lẹp, nửa giống cá rồng nuôi cảnh, thịt béo, rất to con, ngày nay ít thấy. Và trèn kết, cả ký lô một con, dài tới 6 tấc, da trắng bạc.

Mỗi khi con nước nổi tràn về, cá trèn nhiều vô số kể. Nấu măng chua, chiên sả ớt, kho khô, phơi một nắng, xông khói… lung tung đủ món mà món nào cũng ngon, cũng béo. Đặc biệt thịt cá trèn không tanh. Người ta tìm cách ủ mắm để dành ăn quanh năm. Nghe nói đâu món này người Cái Mơn học từ bà con xứ An Giang, Châu Đốc. Mắm cá trèn chỉ dùng con cá con nhỏ xíu bằng mút đũa, xương mềm, thịt ngọt. Trộn với đu đủ hườm hoặc khóm chín, nêm đường, đâm vô tỏi ớt, rắc thính gạo, đậu nành, cập thịt heo luộc xắt phai, đính kèm rau thơm… ăn bể nồi cơm mà nhậu cũng quíu càng!

Xứ này có rất nhiều hộ nuôi ếch, từ đó mọc lên nhiều quán nhậu ếch. Chế biến ăn tại chỗ hay mang đi đều được. Ếch xào lăn, nấu cà-ry cay, lẩu chua lá giang... món nào cũng hấp dẫn. Nhưng đáng kể nhứt phải nói đến món “Ếch nướng mọi”.

Ếch để nguyên con, không lột da, mổ bụng bỏ ruột đen. Nhớ đừng bỏ bộ mùng tơi vàng ươm, béo ngậy. Ướp tỏi, ngũ vị cho thấm. Quạt than đước thật hồng rồi gác vĩ nướng. Ếch khô da tới đâu thì cứ tà tà dùng mỡ hành phết lên tới đó. Món này ăn với cải xà lách xoong, lá cách nhưng quyết không thể thiếu rau răm. Chấm xì dầu, nhậu với rượu đế hay bia bọt gì cũng “bá chấy bù chét”. Mà ngộ, mấy lão bợm răng cỏ xếu xáo vậy mà cứ tranh nhau những bàn chân ếch, “mấp” giòn giòn, gân gân.

Cồn bãi mé Phú Đa có món bánh xèo hến, chỉ nghe cái tên thôi cũng đã lạ. Từ hiếu kỳ dẫn đến muốn thử cho biết rồi mắc thèm lúc nào không hay. Nó phát huy từ trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo vô lường trong ẩm thực của người Chợ Lách. Nguyên liệu vẫn như xưa với bột gạo, bột nghệ, hành lá, dằn chút muối, chút tiêu xay, lấy thịt heo căn bản làm nền, rắc lên giá sống. Khác chăng là trong thành phần nhưn có cho thêm ruột hến và giá sống được thay bằng củ hủ dừa xắt sợi. Ai sang cả, chịu chơi thì gọi cô chủ làm cho những chiếc bánh hoàn toàn không có thịt heo, chỉ toàn ruột hến.

Hến là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ nhỏ xíu nằm ở đáy sông, rạch, có nhiều ở Chợ Lách. Người ta chỉ cần chịu khó cầm rổ lặn xúc hoặc dùng cào mắt lưới thật khít là bắt được. Vì nhiều và rẻ nên khi xửa chỉ bán cho người nuôi vịt đẻ, bỏ vô cối đâm bể ra cho vịt ăn đặng mà tốt trứng, đẻ sai. Ai mà dè, con hến đã lần hồi tiến lên bàn ăn, chễm chệ trở thành đặc sản.

Bánh xèo phải tráng mỏng lét với lửa đượm, tốt nhứt là vài túm lá dừa, để cho bánh được giòn tan. Chiên bánh xèo là cả một kỹ thuật khó tính mà ăn nó cũng còn là một nghệ thuật nữa. Chiên tới đâu ăn tới đó, và nhất định phải bốc bằng tay mới… “đã”. Được xăn quần, bỏ dép ngồi chồm hổm trên bộ vạt tre còn “đã” hơn thập bội. Còn như dùng đũa, cúm rúm nhỏ nhẻ, chúm chím gắp gắp khều khều như con gái mới về nhà chồng, thấy ghét lắm! Bặm trợn, tay trái trải rộng tấm lá cải bẹ xanh dầy cui, to tướng ra vầy nè. Tay phải “ngoao” miếng bánh với đủ mọi thành phần cho vào. Thêm rau thơm, cuộn lại một cuộn tổ bố. Rồi chấm lút cán vô chén nước mắm riêng nho nhỏ hỗn hợp ớt, đường, tỏi, chanh, dưa chua củ cải vừa trắng vừa đỏ, đậu phộng đâm bể. Há miệng thiệt to, ngước lên, ngoạm nghe cái “rạo!” một miếng tràn trề. Vậy mới sướng, mới ngon, mới thấy đời phiêu phiêu lạc thú.

Trước tiên răng chạm vào cái giòn rau ráu của lá cải bẹ xanh, tiếp đến là cái giòn lụp cụp của đậu phộng, dưa chua và sau cùng là giòn rụm của bánh. Những hương vị nhẩn, nồng, cay, chua, ngọt… phối hợp, từ từ men theo đầu lưỡi lần lên đến tận… óc o. Quất vô một ngụm rượu đế, ta nói… nó ngon thấu tận trời mây!

Theo diễn đạt của cố giáo sư Trần Văn Khê, cách ăn đó là ăn bằng cả ngũ giác quan. Nó bao gồm: Ăn bằng khứu giác là mũi ngửi. Ăn bằng xúc giác là được tiếp xúc trực tiếp bằng tay bốc. Ăn bằng thính giác là nghe được những tiếng lụp cụp, rôm rốp giòn tan trong tai. Ăn bằng thị giác là mắt được nhìn hết mọi vẻ đẹp của món ăn. Và thứ năm, sau cùng, mới là ăn bằng vị giác. Trong đó phải kể đến thị giác và vị giác. Qua màu sắc và mùi vị, món ăn ấy thâu tóm trọn vẹn cả triết lý ngũ hành sinh ra vạn vật. Màu vàng của bánh, màu lục của lá cải, trắng của thịt mỡ, con hến, đỏ của dưa củ cải, ớt, màu đen của tiêu, đậu phộng, rìa bánh cháy khét… Phối hợp nhịp nhàng với vị nồng, cay, bùi, chua, ngọt trong món ăn… Tất cả làm nên ngũ hành tương sinh. Là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Là bao quát hết cả càn khôn, hết cả đất trời, vũ trụ.

Món này đầy dinh dưỡng, từ tinh bột, đạm, đường cho đến chất xơ, lại vừa no bụng. Lỡ nhậu xỉn quá trớn bỏ cơm, nửa đêm giựt mình cũng không lo bị nuổng… tuột áp!

*  *  *

Vài lời tâm sự dông dài, vài câu văn quê kệch, qua sự hiểu biết chừng mực của người viết, cũng xin mạo muội gửi đến độc giả với mong muốn giới thiệu phần nào về một vùng đất thiêng liêng có bề dầy lịch sử, văn hóa, văn minh. Có về đây, về với mảnh đất Chợ Lách hiền hòa, về với xứ Cái Mơn bao dung, mến khách ta mới nếm trải hết được hương vị ngọt ngào của hoa trái giữa trời xanh lồng lộng. Để được tận tường thưởng thức hết những cung bậc bổng trầm sâu lắng của bộ sáu chiếc hồng chung xứ đạo.

Lâm Triều An - (baodongkhoi.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn