Ngày đầu tiên, đoàn xuất phát từ 4 giờ 30 phút, trải qua một ngày đường với gần 500 cây số, nơi đoàn dừng chân đầu tiên là tỉnh Bình Thuận. Bao nỗi mệt nhọc như tan biến, khi trước mắt là cảng cá Phan Thiết nằm giữa lòng thành phố làm cho cả đoàn nao lòng. Bạc Liêu cũng có biển nằm cách trung tâm thành phố hơn 10 cây số, luôn khơi nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ, nay đến Bình Thuận, đoàn thật sự rất ấn tượng khi lần đầu được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một thành phố biển sầm uất nhưng cũng không kém phần nên thơ.
Rời Bình Thuận, chúng tôi đến Bình Định. Theo kế hoạch, Bình Định là tỉnh mà đoàn có thời gian lưu lại nhiều ngày, vì thế chúng tôi đã chọn kiểu nghỉ homestay. Đến đây, cảm giác đầu tiên của cả đoàn là như được trở về nhà. Buổi tối, chúng tôi dạo biển Bình Định, thưởng thức đặc sản và bánh tráng là món ăn không thiếu trong suốt những ngày rong ruổi miền Trung. Vừa dạo phố biển, chúng tôi bất ngờ khi nhận điện thoại của anh Định, người quản lý homestay mời cả đoàn về cùng nấu chè ăn buổi tối. Thế là thành viên nữ của đoàn cùng cô nhân viên vào bếp nấu nồi chè đậu đen sao cho ăn vừa ngon, vừa mát. Tôi thầm nghĩ đây là cách làm du lịch thân thiện cần học hỏi, khi kinh doanh có tấm lòng và không khoảng cách sẽ mang lại hiệu quả kinh tế.
Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Bạc Liêu tham quan Bảo tàng Quang Trung (tinh Bình Định). Ảnh: Lê Đức Toại
Sáng hôm sau, Vân Phi - phóng viên Tạp chí Văn nghệ tới nhà nghỉ thật sớm để đưa đoàn khám phá những nét văn hóa của Bình Định. Vân Phi đưa chúng tôi tham quan Tây Sơn Điện - Bảo tàng Quang Trung dấu ấn lịch sử hào hùng, Đàn kính thiên, thăm làng nghề truyền thống làm rượu Bàu Đá ở xã Nhơn Lộc (huyện An Nhơn)… Giữa trưa với cái nắng miền Trung, đoàn được nhấp những ly rượu nếp đục mới ra lò thật đặc biệt làm sao! Buổi chiều cuối, Hội VH-NT tỉnh Bình Định tiếp đoàn tại trụ sở nằm ngay trung tâm thành phố. Buổi gặp gỡ thân tình và cởi mở khi cả hai bên cùng trao đổi kinh nghiệm và học tập lẫn nhau trong hoạt động lĩnh vực VH-NT.
Điểm đến tiếp theo của đoàn là tỉnh Quảng Ngãi. Quảng Ngãi đón chúng tôi bằng cái nắng hanh khô mùa hè, nhưng bù lại chúng tôi được thưởng thức vị ngọt của những trái dừa xiêm ngọt lịm. Tới nơi khi mặt trời đứng bóng, đầu giờ chiều chúng tôi lại được một em công tác tại Hội VH-NT Quảng Ngãi đưa đi viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Thiên Ấn, cách cổng tam quan chùa Thiên Ấn khoảng 100m, được bao bọc bởi cây cối và hướng mặt ra sông Trà Khúc. Tiếng chuông chùa Thiên Ấn loang trong vệt nắng chiều bảng lảng như sương khói, làm cho không gian núi Ấn, sông Trà bình yên đến lạ. Sau đó đoàn đến thăm đền thờ Trương Định và Khu chứng tích Sơn Mỹ nằm trên Quốc lộ 24B thuộc địa phận Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) là nơi tưởng nhớ vụ thảm sát Mỹ Lai. Cả đoàn ngậm ngùi khi nghe kể từng chi tiết về vụ thảm sát, có những thành viên nữ của đoàn mắt đỏ hoe… Một buổi chiều hè cảm xúc thật bùi ngùi trên quê hương Quảng Ngãi. Dù lưu lại không lâu nhưng đoàn cũng đã có cơ hội tìm hiểu về nền văn hóa Sa Huỳnh khá chi tiết khi được tham quan Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi.
Giã từ Quãng Ngãi với nhiều cung bậc cảm xúc, đoàn chúng tôi lại lên đường ra Huế. Huế có nhiều kinh nghiệm hay trong hoạt động VH-NT với số lượng hội viên hơn 600 người và nhiều chuyên ngành mạnh như: nhiếp ảnh, văn học, âm nhạc, sân khấu… Ngoài ra, chúng tôi còn được tìm hiểu cách làm du lịch của xứ Huế là vào thứ Bảy và Chủ nhật, mỗi người dân Huế ra phố để nhặt rác với khẩu hiệu “nhặt một cọng rác để thành phố sạch hơn”. Điều này cho thấy việc làm du lịch không chỉ của chính quyền, doanh nghiệp mà còn là của mỗi người dân, vì lẽ đó mà du lịch của Huế ngày càng phát triển.
Đến mỗi vùng đất, chúng tôi không chỉ có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động VH-NT với tỉnh bạn, mà còn khám phá được nét văn hóa bản địa độc đáo thông qua các di tích văn hóa, lịch sử, thông qua cốt cách con người nơi đó. Đó chính là nguồn cảm hứng dạt dào cho chúng tôi - những văn nghệ sĩ đang tìm kiếm ý tưởng sáng tạo.