Trước đó, tối 20.9 đã diễn ra lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Bộ VHTTDL cùng đông đảo người dân và du khách.
Năm nay sự kiện biểu diễn dù lượn ngoài sự tham gia của hơn 100 thành viên đến từ 8 CLB dù lượn trong nước còn có hàng chục vận động viên đến từ các CLB dù lượn nước ngoài như Nhật Bản, Australia, Malaysia… Đặc biệt, du khách có đủ điều kiện có thể tham gia hoạt động dù lượn cùng các vận động viên.
Trước đó vào sáng 21.9, lễ khai mạc Festival dù lượn mang tên “Bay trên mùa vàng 2019” đã diễn ra tại bãi đáp dù lượn Lìm Mông dưới chân đỉnh đèo Khau Phạ thuộc huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Ngoài hàng ngàn người dân và du khách dự lễ khai mạc, trên quãng đường đèo từ thung lũng Lìm Mông lên đỉnh Khau Phạ, rất nhiều du khách đứng kín đặc các điểm có thể ngắm dù lượn. Cách đỉnh đèo cũng là điểm xuất phát dù lượng khoảng 2 km, đường tắc cứng và dày đặc các phương tiện chờ lên đỉnh đèo.
Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng 2019” năm nay là lần thứ 7 được tổ chức, là một trong chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019 đang diễn ra tại Yên Bái. Đây là dịp tôn vinh danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị của danh thắng gắn với phát triển du lịch, đồng thời quảng bá, giới thiệu về quê hương, con người, tiềm năng, thế mạnh và bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải với du khách trong và ngoài nước. Anh Phạm Quang Tuấn, Phó chủ tịch CLB dù lượn Yên Bái (Vietwings Yên Bái) cho biết, tất cả các hoạt động dù bay đều phải được phép các cơ quan chức năng liên quan. Đồng thời để có thể bay thành thạo dù lượn đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ, người chơi phải am hiểu về thời tiết, địa hình, nguyên lý khí động học, thông thạo hướng gió.
Anh Tuấn chia sẻ, các học viên tham gia ban đầu chưa phải trang bị dù lượn mà CLB cho mượn để luyện tập. Sau khi tốt nghiệp”, nếu thành viên CLB muốn luyện tập và gắn bó lâu dài với môn dù lượn thì có thể sắm 1 bộ dù, có giá từ 30 - 100 triệu đồng. Riêng chơi dù động cơ đòi hỏi người chơi có sức khỏe tốt, có đủ kiến thức liên quan, có tiềm năng nhất định về tài chính vì một bộ dù bay động cơ có giá từ 200 triệu đồng trở lên.
Tại điểm hạ cánh dù lượn trong thung lũng Lìm Mông, một trong những người hạ cánh đẹp mắt và đúng bãi đáp đầu tiên sáng 21.9 là anh David Goalski, người Australia. David Goalski cho biết, anh đã tới nhiều nước để chơi dù lượn, lần này đến Việt Nam là lần đầu tiên nhưng đặc biệt thích địa điểm chơi dù lượn tại Mù Cang Chải. Anh hy vọng cùng bạn bè sẽ quay lại Mù Cang Chải nhiều lần nữa để chơi dù lượn. Còn nhóm VĐV dù lượn Nhật Bản tham gia festival lần này có 4 vận động viên, trong đó có một VĐV khá cao tuổi nhưng lượn dù rất điêu luyện.
Được biết, mỗi chuyến bay từ đỉnh đèo Khau Phạ tới điểm đáp nằm giữa thung lũng Lìm Mông kéo dài trong khoảng 10-20 phút tùy điều kiện thời tiết bao gồm hướng gió, tốc độ gió và cả trình độ người lái dù. Vào buổi bay sáng 21.9, do trời có mưa phùn nhẹ và nhiều sương mù nên các vận động viên trẻ chưa được bay, chỉ có các vận động viên có kinh nghiệm và một số vận động viên nước ngoài bay biểu diễn phục vụ khai mạc và khách du lịch. Được biết, người chơi dù lượn trẻ nhất nhất festival lần này là Nguyễn Vũ Khánh Ly mới 18 tuổi. Cô tốt nghiệp khóa học năm 2017 và đã nhiều lần thử sức ở các điểm bay dù lượn đẹp trong nước…
Cũng trong khuôn khổ các hoạt động VHTTDL tại Mù Cang Chải dịp này, bên cạnh hoạt động dù lượn để thỏa sức đam mê môn thể thao mạo hiểm, khám phá vẻ đẹp của ruộng bậc thang từ trên cao còn có triển lãm ảnh nghệ thuật “Lung linh sắc màu văn hóa - du lịch và ảnh đẹp danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải” diễn ra tại trung tâm huyện.