Để du lịch làng nghề phát triển bền vững

Thứ sáu, 22 Tháng 11 2019 10:23 (GMT+7)
An Giang nổi tiếng về du lịch (DL) tâm linh, DL sinh thái, với nhiều cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, cùng các lễ hội đặc sắc. Không những vậy, đến với An Giang, du khách còn được trải nghiệm, tham quan các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, cơ sở sản xuất hàng đặc sản để tìm hiểu các giá trị văn hóa và mua sắm các sản phẩm.
 
Nhiều tiềm năng
9 tháng của năm 2019, An Giang đón trên 8,3 triệu lượt khách (tăng 3,75% so năm 2018, đạt 90,22% so với kế hoạch). Doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 4.700 tỷ đồng (tăng 17,5% so cùng kỳ năm 2018, ước đạt 85,45% so kế hoạch). Đây là tín hiệu vui cho ngành DL của tỉnh nói chung và DL làng nghề nói riêng.
 
An Giang có nhiều làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất, thủ công mỹ nghệ, đặc sản, như: dệt thổ cẩm, tranh thêu tay, tranh bằng lá thốt nốt, đường thốt nốt, các loại khô, mắm... khá nổi tiếng. Hiện nay, An Giang có 34 làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, rải đều ở 49 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 26 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, với 6.300 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 18.600 lao động.
 
 
Đặc biệt, An Giang có 14 nghề và làng nghề truyền thống đã tồn tại trên 50 năm, như: làng nghề se nhang (TP. Long Xuyên), nghề rèn Phú Mỹ (Phú Tân), làng dệt thổ cẩm của người Chăm ở xã Châu Phong (TX. Tân Châu), làng nghề mộc Chợ Thủ (Chợ Mới), làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo, làng nghề nấu đường thốt nốt của người Khmer (Tịnh Biên), nghề sản xuất mắm (TP. Châu Đốc)…
 
Đây chính là tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong việc gắn kết làng nghề với phát triển DL. Qua đó, tạo sự hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng của địa phương. Đồng thời, góp phần tạo đầu ra cho sản phẩm, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống.
 
 
“Nổi tiếng là địa phương có làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, những năm qua, các hộ dân ở xã Châu Phong (TX. Tân Châu) đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, sản xuất vải hoa văn đặc trưng phục vụ nhu cầu trang phục cho đồng bào các dân tộc và phục vụ hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, mua sắm sản phẩm.
 
Du khách tìm đến đây không chỉ bởi các sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công, với hoa văn mang đậm tính dân tộc mà còn bởi cơ hội được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ dệt, trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất. Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển DL, đồng thời giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Châu Phong Khương Hữu Lợi cho biết.
 
Thực tế cho thấy, bên cạnh những lợi ích về kinh tế - xã hội, DL làng nghề đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc và giải quyết việc làm cho nguồn lao động tại địa phương.
 
Quan tâm đầu tư, kết nối để phát triển
Một trong những khó khăn trong việc phát triển sản phẩm làng nghề gắn với DL, đó là: các làng nghề còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát triển, tự sản xuất và tự tìm nguồn ra. Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật DL còn nhiều hạn chế. Sản phẩm làng nghề phục vụ DL chưa phong phú, thiếu tính hấp dẫn, chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
 
Người dân tại làng nghề chưa có nhiều kiến thức chung về văn hóa, nghiệp vụ DL, khả năng giao tiếp với du khách còn hạn chế nên không thể giới thiệu, bán sản phẩm hiệu quả… Đối với làng nghề dệt thổ cẩm thì một số gia đình không còn sử dụng khung dệt truyền thống, vì họ cho rằng, sản phẩm thổ cẩm không còn phù hợp với thị trường thời trang hiện nay. Song, địa phương và các nghệ nhân đang nỗ lực giữ bản sắc thổ cẩm truyền thống trong từng khung dệt, “thổi hồn” vào sản phẩm để đưa đến người tiêu dùng và du khách.
 
 
Để DL của tỉnh nói chung, DL làng nghề nói riêng phát triển bền vững thì ngành DL và các địa phương cần có chính sách đầu tư xây dựng căn cơ, kết hợp làng nghề truyền thống với các hoạt động văn hóa dân gian, nhất là các lễ hội, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Từ đó, phát huy những nét văn hóa đặc sắc, để các làng nghề trở thành điểm đến DL hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
 
Tăng cường kết nối doanh nghiệp DL; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá DL. Việc tăng cường kết nối doanh nghiệp nhằm hỗ trợ hiệu quả việc làm DL chuyên nghiệp. Thông qua doanh nghiệp DL để nắm được nhu cầu, sở thích, thói quen mua sắm của du khách. Từ đó, tư vấn, hỗ trợ ngành DL và địa phương trong việc đầu tư, đào tạo người dân ở các làng nghề trong việc giao tiếp, tiếp cận mua bán, quảng bá sản phẩm, nhất là hỗ trợ đổi mới mô hình phù hợp để phát triển DL.
 
Mặt khác, để phát triển DL làng nghề, ngành DL và các địa phương cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng DL, tạo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp để tạo dấu ấn, thu hút du khách, tăng mức chi bình quân của du khách khi đến An Giang và bảo tồn những nét độc đáo làng nghề truyền thống.
THU THẢO - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn