Du khách đã đến Cần Thơ trở lại.
Thất thu nặng…
ĐBSCL vốn có nhiều tài nguyên du lịch, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước với du lịch sông nước, miệt vườn. Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2019, ĐBSCL đón 47 triệu lượt khách trong và ngoài nước, tăng 17,5% so với năm trước, doanh thu du lịch toàn vùng đạt hơn 30.000 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2018.
Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ĐBSCL xem là khu vực an toàn vì không có ca nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, ngành du lịch ĐBSCL vẫn gặp nhiều khó khăn, sụt giảm nặng nề. Tỉnh Kiên Giang nhiều năm là địa phương dẫn đầu du lịch ĐBSCL nhưng trong 4 tháng đầu năm 2020, Kiên Giang chỉ đón khoảng hơn 1,79 triệu lượt khách, giảm hơn 40% so với cùng kỳ và chỉ đạt 19,2% kế hoạch năm 2020. Chỉ có 536.000 lượt khách lưu trú; trong đó, khách quốc tế là 142.000 lượt, khách nội địa là 394.000 lượt, giảm 54,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu từ du lịch giảm 51,7% so với cùng kỳ…
Cần Thơ - trung tâm ĐBSCL - cũng phải chịu không ít thiệt hại nặng nề. Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ, có đến 81 cơ sở lưu trú ngưng hoạt động, trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao, 8 khách sạn 3 sao, còn lại là các khách sạn 1-2 sao, homestay… Có 47/63 doanh nghiệp lữ hành và toàn bộ 33 khu, điểm, vườn du lịch tạm ngưng hoạt động. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ, cho biết: “Hoạt động du lịch của Cần Thơ bị tác động và ảnh hưởng rất lớn bởi COVID-19. Kết quả hoạt động quý I năm 2020 sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ và gần như các doanh nghiệp du lịch đều đã tạm ngưng hoạt động…”. Quý I-2020, tổng lượt khách lưu trú của Cần Thơ chỉ khoảng 284.795 lượt; trong đó, khách quốc tế là 40.570 lượt, khách nội địa là 244.225 lượt, giảm 59,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng doanh thu từ du lịch chỉ hơn 433,71 tỉ đồng, giảm 62,1% so với quý I-2019…
“Du lịch an toàn” mở đầu chương trình kích cầu
Ngay từ đầu tháng 5-2020, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phối hợp với 27 hiệp hội du lịch các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức Hội nghị trực tuyến “Các giải pháp khôi phục du lịch sau COVID-19”. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng: Trước hết, phải khôi phục thị trường du lịch nội địa và tính toán cho thị trường quốc tế trong tương lai. Đó là chọn vùng không dịch bệnh để quảng bá; chọn du lịch biển, du lịch sinh thái, ẩm thực, nghỉ dưỡng cho du khách... Không đi xuyên Việt mà chỉ đến vùng này hoặc vùng kia, kéo dài thời gian tham quan, nghỉ dưỡng mà ít di chuyển. Tổ chức các Famtrip, Presstrip khảo sát chọn lựa các sản phẩm du lịch quảng bá mời gọi du khách… Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chọn ĐBSCL là vùng an toàn không dịch, có nhiều tiềm năng du lịch, một vùng rất đẹp để mở đầu cho chương trình kích cầu du lịch nội địa quốc gia.
Miệt vườn sông nước Mekong hấp dẫn du khách.
Tại Hội nghị “Triển khai các nhiệm vụ chủ yếu phục hồi và kích cầu du lịch ĐBSCL sau dịch COVID-19” vừa tổ chức tại Cần Thơ, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhận định: “Ngay sau khi hết dịch COVID-19, khách du lịch nội địa sẽ là thị trường mục tiêu của du lịch ĐBSCL. Sự lựa chọn điểm đến của khách du lịch sẽ thay đổi. “Du lịch an toàn” sẽ là tiêu chí ưu tiên hàng đầu đối với du khách. Vì vậy, công tác truyền thông với chủ đề “Du lịch an toàn” trong thực hiện kích cầu du lịch là vấn đề quan trọng, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch, góp phần thu hút khách du lịch nội địa đến ĐBSCL ngày càng đông. Khi việc mở lại các đường bay còn hạn chế, khả năng du khách sẽ đến ĐBSCL bằng đường bộ, đặc biệt là các phương tiện cá nhân. Vì thế, thị trường khách du lịch nội địa của ĐBSCL có thể chỉ là TP Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ trở vào…”.
Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đã có 100 doanh nghiệp của 13 tỉnh, thành ĐBSCL tham gia “Chương trình kích cầu du lịch ĐBSCL sau dịch COVID-19”. Đó là các khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… giảm giá từ 10-50%. Chương trình kích cầu được triển khai khắp các tỉnh, thành ĐBSCL; trong đó, ưu tiên hợp tác, liên kết với TP Hồ Chí Minh, trung tâm cụm phía Đông, phía Tây (TP Cần Thơ, Kiên Giang, Phú Quốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang…) làm trọng điểm, phát huy vai trò các điểm du lịch tiêu biểu và hội viên Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. Khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng chất sản phẩm du lịch có tính an toàn, hấp dẫn để kích thích nhu cầu du lịch của du khách.
Theo các hãng lữ hành, yếu tố hàng đầu hấp dẫn du khách hiện nay không chỉ là sản phẩm dịch vụ tốt mà là “Du lịch an toàn”. Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho rằng: Yếu tố hàng đầu hấp dẫn du khách sau dịch COVID-19 là “an toàn”. Xu hướng khách đi theo nhóm nhỏ là gia đình hay giới trẻ. Để kích cầu đối tượng du khách này, phải có mức giá ưu đãi, chi phí hợp lý, vận tải hàng không, đường bộ không chỉ cần giảm giá mà có thể giữ nguyên giá nhưng gia tăng chất lượng dịch vụ. Doanh nghiệp lữ hành không thể nào thực hiện giảm giá 20-40% nếu không có sự chung sức của các điểm lưu trú, ăn uống, tham quan, vận chuyển…
Theo ông Trịnh Công Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bạc Liêu, bên cạnh thực hiện các giải pháp kích cầu, các địa phương sớm có giải pháp làm mới, nâng cấp, bổ sung thêm sản phẩm du lịch để thu hút du khách. “Các cơ quan chức năng của Bạc Liêu đang xúc tiến đầu tư mới các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại huyện Hồng Dân, huyện Phước Long để hình thành thêm tuyến du lịch mới quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, kết nối từ Cần Thơ đến Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, cũng như kết nối với Kiên Gang. Nếu như về với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, du khách sẽ trải nghiệm sản phầm miệt vườn sông nước, thì về Hồng Dân, Phước Long du khách sẽ trải nghiệm sản phẩm du lịch miệt đồng quê…” - ông Vinh nói.
Để du lịch ĐBSCL hấp dẫn du khách, không chỉ kích cầu giảm giá mà còn phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời làm mới sản phẩm để thu hút du khách. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ, cho biết TP Cần Thơ đang có nhiều sản phẩm mới, như: sản phẩm Cồn Sơn ngày mới tại du lịch cộng đồng Cồn Sơn; làng du lịch Mỹ Khánh với mô hình chợ nổi; du lịch đường sông, đường biển có tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo, Cần Thơ - Châu Đốc (du thuyền Victoria)…
Ngành Hàng không cũng tích cực tham gia chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Các hãng hàng không đang nối lại các chuyến bay nội địa, với giá khuyến mãi hấp dẫn du khách như giá vé khứ hồi Cần Thơ - Hà Nội chỉ khoảng 1,02-1,5 triệu đồng. Ông Đặng Minh Việt, Trưởng Chi nhánh Vietnam Airline Cần Thơ, cho biết: Từ 27-4 Vietnam Airline (VNA) đã khai thác trở lại đường bay Cần Thơ - Hà Nội với tần suất 3 chuyến/ngày; từ ngày 12-6, khai thác trở lại tuyến Cần Thơ - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến/ngày. Giá khách lẻ: Cần Thơ - Hà Nội từ 810.000 đồng/lượt (gồm thuế, phí), Cần Thơ - Đà Nẵng từ 700.000 đồng/lượt (gồm thuế, phí). Để góp phần kích cầu du lịch ĐBSCL, trong tháng 6, VNA sẽ khai trương nhiều đường bay mới như: Cần Thơ - Hải Phòng, Cần Thơ - Vinh, Cần Thơ - Buôn Ma Thuột, Hải Phòng - Phú Quốc…
Các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn, điểm đến, cùng các hãng lữ hành, hàng không… đã chung tay vào cuộc, kích cầu du lịch ĐBSCL “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Hy vọng, ĐBSCL không dịch bệnh là điểm đến an toàn, cùng với tài nguyên du lịch sông nước, miệt vườn, phong cảnh hữu tình sẽ hấp dẫn du khách và du lịch ĐBSL sẽ hồi sinh mạnh mẽ hơn…
Bài, ảnh: Huỳnh Biển - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)