Xây dựng sản phẩm mới
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist, cho biết mỗi địa phương đều có những điểm đến mới, có thể đưa vào khai thác đón khách, thậm chí tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu biết cách làm mới, cải thiện về dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch... Tiềm năng rất lớn của vùng Đông Nam Bộ là du lịch sinh thái rừng lại chưa được khai thác.
Theo ông Mẫn, mỗi doanh nghiệp (DN) du lịch có phân khúc khách, định hướng xây dựng sản phẩm tour khác nhau để đón khách ở từng điểm đến. Việc liên kết chặt chẽ cũng góp phần hiện thực hóa sản phẩm du lịch, tránh tình trạng DN ở điểm đến đầu tư xây dựng sản phẩm lãng phí nhưng không hiệu quả, không có khách.
Du khách tham quan ngọn Hải đăng ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chẳng hạn, một đảo du lịch ở Đồng Nai có nhiều cơ hội khai thác du lịch nhưng giá dịch vụ quá cao. "Giá phòng lưu trú trên đảo lên tới 900.000 đồng/phòng/đêm, du khách phải trả tiền thuê canô qua đảo, có một số dịch vụ đi kèm như nhà hàng, xe đạp... nhưng điều kiện còn thô sơ mà để đón khách đoàn đông là rất khó, giá tour sẽ cao. Phải thay đổi cách làm mới thu hút thêm du khách" - ông Mẫn nói.
Ở các địa phương khác, rất nhiều điểm đến đã quen thuộc như Làng bưởi Tân Triều (Đồng Nai); Nhà lớn Long Sơn, Làng bè Long Sơn, Bảo tàng Vũ khí cổ, vịnh Marina (Bà Rịa - Vũng Tàu)... đều có thể trở thành điểm đến đón thêm nhiều du khách nếu đi sâu vào tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân ở làng nghề hay khai thác yếu tố lịch sử, văn hóa... Khi DN và chính quyền địa phương cùng "bắt tay" khảo sát tính thực tế của điểm đến để tạo thành sản phẩm du lịch sẽ giúp khai thác tour, tuyến hiệu quả hơn, tránh đầu tư dàn trải...
Doanh nghiệp cần chủ động
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, nhận định về vai trò, vị thế của TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, lâu nay các địa phương này trở thành những vệ tinh xung quanh để tạo thành tổng thể của vùng kinh tế trọng điểm. Nhưng chuyện liên kết và xúc tiến phát triển du lịch vùng lại chưa được chú trọng, như du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu chưa xúc tiến vào TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương...
Do đó, việc kết nối trong hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ sẽ tạo thành lực đẩy mạnh mẽ hơn, lan tỏa vai trò của TP HCM với các điểm đến trong vùng nhờ quy hoạch thành chiến lược, kế hoạch dài hạn và những đợt chung tay hành động.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng với DN, quan trọng là phải nhanh chóng kết nối thành hệ thống để xây dựng các bộ sản phẩm đưa ra thị trường, vì bản chất của du lịch là ngành tổng hợp nên liên kết là rất quan trọng.
Để thu hút DN đầu tư, ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển Sài Gòn, cho rằng các địa phương cần có quy hoạch, chính sách rõ ràng trong việc kêu gọi đầu tư.
"Muốn có sản phẩm du lịch phải đầu tư và cái DN cần là thông tin cụ thể về việc địa phương đang kêu gọi rót vốn vào sản phẩm gì. Như mới đây, Tây Ninh được tập đoàn du lịch lớn đầu tư sẽ tạo động lực phát triển những sản phẩm du lịch "ăn theo". Nhưng để giữ chân được du khách ở Tây Ninh thêm một đêm thì ngành du lịch cần có thêm nhiều sản phẩm bổ trợ, sản phẩm dịch vụ đi kèm" - ông Sơn phân tích.
Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Tổng Giám đốc Vietravel:
TP HCM là đầu tàu liên kết du lịch vùng
TP HCM là đầu tàu liên kết du lịch vùng
TP HCM với tư cách là trung tâm, thị trường nguồn cung cấp khách cho cả nước và vùng Đông Nam Bộ, sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong mối quan hệ liên kết vùng vốn đã có trước đây nhưng còn mờ nhạt. Càng quan trọng hơn khi thị trường nội địa trở nên vô cùng cần thiết trong bối cảnh ngành du lịch gặp khó vì dịch Covid-19.
THÁI PHƯƠNG - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)