Thắng cảnh Bàu Trắng, huyện Bắc Bình và tuyến đường ven biển Hòa Thắng-Hòa Phú nằm trong Khu DLQG Mũi Né.
Theo Quyết định, vị trí, quy mô, ranh giới Khu du lịch quốc gia Mũi Né (Khu DLQG Mũi Né), tỉnh Bình Thuận được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tại Điều 2 của Quyết định nêu rõ: Giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu DLQG Mũi Né, tỉnh Bình Thuận để quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch.
Tại Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu DLQG Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định vị trí, quy mô, ranh giới Khu du lịch quốc gia Mũi Né nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong đến hết ranh giới phường Phú Hài, TP Phan Thiết (Bình Thuận); có diện tích khoảng 14.760 ha, trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển hình thành các khu chức năng du lịch là khoảng 1.000 ha.
Quan điểm phát triển, phát triển bền vững Khu DLQG Mũi Né theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, đặc biệt là thắng cảnh Bàu Trắng, Bàu Sen và các đồi cát ven biển, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, xói lở bờ biển; phát triển hài hòa giữa du lịch với khai thác khoáng sản, nông, lâm, ngư nghiệp và năng lượng; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, chú trọng chất lượng và hiệu quả, đa dạng về sản phẩm trên cơ sở khai thác và phát huy các lợi thế về tài nguyên du lịch biển, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, nhất là nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, đi đôi với chú trọng khai thác giá trị các di tích, văn hóa dân tộc Chăm và các giá trị cảnh quan địa hình đồi các độc đáo tạo cơ sở đột phá đưa Khu DLQG Mũi Né trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Phát triển Khu DLQG Mũi Né trong mối liên kết chặt chẽ với các điểm du lịch trong tỉnh, trong vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển Khu DLQG Mũi Né; khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Mục tiêu chung tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Khu DLQG Mũi Né trở thành một điểm đến hấp dẫn. Phấn đấu đến năm 2030 Khu DLQG Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 14 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt trên 2,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt khoảng 24 nghìn tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Tạo việc làm cho khoảng 24.000 lao động trực tiếp vào năm 2025 và trên 45.000 người vào năm 2030.
Hình thành các Phân khu du lịch chính gồm: Phân khu du lịch biển cao cấp Bắc Bình có diện tích khoảng 500 ha; phân khu du lịch biển Mũi Né, diện tích khoảng 340 ha; phân khu du lịch chuyên đề-du lịch Cát, diện tích khoảng 100 ha.
ĐÌNH CHÂU - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)