Vườn cây trái Tân Phú đón khách du lịch

Thứ tư, 16 Tháng 9 2020 10:31 (GMT+7)
Xã Tân Phú, huyện Châu Thành có 818ha trồng chôm chôm, chiếm hơn 50% diện tích đất nông nghiệp toàn xã. Sau đợt hạn mặn, có khoảng 490ha chôm chôm bị thiệt hại. Nhiều vườn chôm chôm hàng chục năm tuổi đã chết, chỉ một số ít còn trụ được.
Ông Trần Văn Bền bên vườn cây chôm chôm còn xanh tốt sau hạn mặn.
Ông Trần Văn Bền bên vườn cây chôm chôm còn xanh tốt sau hạn mặn.
 
Chuyển đổi cây trồng
 
Ông Lê Văn Năm, ở ấp Tân Qui, là một trong những nông dân mất gần 1 mẫu vườn chôm chôm 30 năm tuổi sau đợt hạn mặn khốc liệt đầu năm 2020. Nhìn qua hàng củi chôm chôm xếp lớp ven đường vào khu vườn chỉ còn trơ trọi gốc, ông Năm nói: “Chắc không trồng lại chôm chôm nữa. Con trai mới mua mấy nhánh bưởi da xanh, vài hôm nữa tính tiếp”.
 
Bên bàn trà nhà ông, nhìn thấy bảng chữ ghi: “Tham quan vườn chôm chôm”, chúng tôi mới hay hộ ông Năm là một trong những vườn đầu tiên của xã Tân Phú đón khách du lịch vào vườn hái trái cây. Ông Năm kể lại giai đoạn gia đình ông nhờ vào vườn chôm chôm mà khá lên như thế nào. Vậy mà, ảnh hưởng nước mặn lần này, gia đình ông không giữ được vườn.
 
So với bưởi da xanh, cây chôm chôm vốn rất “nhát” mặn, độ mặn vừa 0,7%o là cây đã bị ảnh hưởng. Theo một số nông dân bị thiệt hại chôm chôm cho biết, cây chôm chôm quá nhạy cảm nên trước tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, họ cũng ngại trồng lại. Nếu trồng lại chôm chôm thì phải từ 3 - 4 năm mới cho trái ngon. Vì vậy, nhiều hộ đã chuyển đổi sang loại cây trồng khác như bưởi da xanh, dừa xiêm, chuối... để nhanh cho thu hoạch, ít bị ảnh hưởng.
 
Một số hộ vẫn còn phân vân chưa biết xử lý sao với vườn chôm chôm khô trắng của mình. Càng đi len lỏi vào sâu các con đường nông thôn, những hàng củi khô ven đường, những cành, gốc khô chưa kịp dọn chính là vết tích còn lại của những vườn chôm chôm trước đây từng cho trái trĩu cành.
 
Du lịch miệt vườn
 
Hộ ông Nguyễn Văn Hùng, ở ấp Tân Qui còn giữ được vườn chôm chôm để làm du lịch. “Tôi mới bơm nước về rửa mặn để phục hồi lại vườn cây cũng hơn chục triệu đồng. Sau mặn mà cây còn xanh tươi cành lá. Mấy hôm nay, nhánh cây bung thêm đọt mới, tôi mừng lắm. Dù không có trái thì mình dưỡng cây để lấy bóng mát cho điểm du lịch cũng được”, ông Hùng nói.
 
Vườn nhà ông Hùng, có gần 2 công trồng chôm chôm. Ông che bạt, dựng chòi lá dưới tán cây để đón khách du lịch. Ngoài ra, ông mướn đất để trồng thêm tổng cộng gần 6 công chôm chôm, luân phiên đưa khách tới tham quan, hái trái vào những mùa cao điểm. Đợt hạn mặn vừa qua, ông xiết nước, không cho nước mặn vào vườn, đặt cả mô-tơ tháo nước mặn nên cây ít bị ảnh hưởng. Mới đây, thấy tình hình tạm ổn, ông cải tạo lại, sử dụng phân hữu cơ và bơm thêm nước tưới, mong vườn cây sớm phục hồi trở lại.
 
Điểm du lịch ông Hùng, ở ấp Tân Qui đã kinh doanh gần 15 năm nay. Bắt đầu từ những ngày đầu chỉ nhận xe gửi của khách đi du lịch cồn Tiên Lợi cho tới khi mở ra dịch vụ ăn uống. Rồi ông cho khách nghỉ chân trong vườn chôm chôm nhà mình. Khi du lịch vườn trái cây phát triển, ông mạnh dạn liên kết với các công ty du lịch ở TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, TP. Bến Tre để đón khách. Đồng thời, ông còn kết nối với nhiều vườn chôm chôm khác trên địa bàn để đưa khách đến.
 
Hiện nay, khi một số khách liên hệ với điểm du lịch của ông Hùng để đến tham quan vườn trái cây, ông cũng tiếp nhận, đảm bảo theo hướng dẫn an toàn của ngành du lịch. Đồng thời, có đội xe gắn máy chở khách đi vườn chôm chôm có trái để tham quan.
 
Cách điểm du lịch Hùng không xa là vườn chôm chôm rộng 6 công của ông Trần Văn Bền, cũng ở ấp Tân Qui, hiện vẫn còn xanh tốt và cho trái đỏ trĩu cành. Là một trong những vườn chôm chôm hiếm hoi còn giữ được đến nay nên rất nhiều điểm du lịch đã liên hệ với ông Bền để đưa khách đến chơi. Lúc chúng tôi tìm đến vườn ông Bền cũng là lúc ông ra tiếp nhóm khách gia đình gồm 5 người. Theo hợp đồng với điểm du lịch, mỗi khách đến, ông chủ vườn được nhận số tiền 50 ngàn đồng/lượt khách. “Tôi chỉ mới cho đón khách đến vườn mấy hôm gần đây thôi, có thêm một phần thu nhập, trang trải trong gia đình. Đợt mặn vừa rồi tôi cũng xiết nước, chăm sóc kỹ mới giữ được vườn này”, ông Bền nói.
 
“Đối với du lịch, chúng tôi có khuyến cáo một số hộ xây dựng điểm du lịch trên đất nhà có vườn chôm chôm bị thiệt hại do hạn mặn thì tạm thời khoan đốn bỏ cây để khi đón khách tới sẽ nói rõ cho khách thấy cây trồng địa phương bị ảnh hưởng bởi hạn mặn như thế nào, thiệt hại kinh tế của địa phương. Đây cũng là một yếu tố để du khách có thể hiểu thêm được tác động của biến đổi khí hậu nặng nề như thế nào. Các điểm du lịch đón khách thì đều phải nói rõ với khách tình hình thực tế của mình. Nếu khách có nhu cầu đến vườn chôm chôm có trái chín cây thì địa phương chúng tôi vẫn còn vườn chôm chôm để dẫn khách đi”, ông Phạm Hoàng Khôi - Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết.
 
Cây chôm chôm bao lâu nay là hình ảnh quen thuộc và gắn kết với du lịch Tân Phú. Khó khăn “kép” hạn mặn - dịch bệnh đã tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp cũng như du lịch của địa phương. Sau đợt hạn mặn, xã cũng đã liên hệ phòng nông nghiệp và trạm bảo vệ thực vật huyện để hướng dẫn bà con nông dân xử lý, cải tạo vườn cây ăn trái, khôi phục sản xuất.
 
(Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú Phạm Hoàng Khôi)
Bài, ảnh: Thanh Đồng - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn