Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Văn hóa chợ nổi Cái Răng.
Bảo tàng TP Cần Thơ đang trưng bày chuyên đề “Nghệ thuật truyền thống ở TP Cần Thơ”, thu hút khá đông du khách tham quan dịp đầu năm mới 2021. Chuyên đề có hơn 200 hình ảnh, hiện vật, tư liệu chuyên đề, giới thiệu về một số loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của các dân tộc ở Cần Thơ. Những hiện vật như nhạc cụ, trang phục, đạo cụ... của các loại hình nghệ thuật truyền thống như kể cho khách tham quan một câu chuyện dài đầy lý thú về hành trình người Cần Thơ kiến tạo và giữ gìn di sản quê hương. Lê Minh Nghĩa, sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, chia sẻ: “Tuổi trẻ tụi em bây giờ tiếp xúc nhiều với các dòng nhạc, loại hình nghệ thuật hiện đại, nên đôi khi quên đi những di sản truyền thống. Xem triển lãm này em hiểu rõ hơn về giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT)”.
Điểm mới của trưng bày chuyên đề lần này là có sự trình diễn và giới thiệu di sản của các nghệ nhân về Hò Cần Thơ và Hát ru của người Việt ở Cần Thơ - 2 di sản vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Những câu hò đằm thắm từ ruộng đồng, vườn xanh trái ngọt; những tiếng ru đưa nôi “ầu ơ” vọng lên giữa phố thị mang lại cảm xúc đặc biệt. Nghệ nhân Ưu tú Trường Út kể rằng, từ nhỏ anh đã được nghe những câu hò sông nước Cần Thơ, lớn lên theo nghiệp đờn ca, anh vẫn giữ vẹn tình yêu câu hò điệu hát. Anh rất vui vì đã góp phần lan tỏa di sản, giới thiệu được nét đẹp quê hương với mọi người.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn TP Cần Thơ có 10 loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc được kiểm kê. Trong đó, 1 loại hình được UNESCO vinh danh DSVHPVT đại diện của nhân loại là nghệ thuật Ðờn ca tài tử và 2 loại hình là DSVHPVT quốc gia là Hò Cần Thơ và Hát ru của người Việt ở Cần Thơ. Rộng ra hệ thống DSVHPVT, tính đến cuối năm 2019, Cần Thơ tổ chức kiểm kê, ghi nhận và đưa vào danh mục 109 loại hình DSVHPVT; trong đó có 5 di sản đã được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia, trước Hò Cần Thơ và Hát ru của người Việt ở Cần Thơ, là Đờn ca tài tử Nam Bộ, Văn hóa chợ nổi Cái Răng và Lễ hội Kỳ yên Đình Bình Thủy.
Cũng thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2017-2020, thành phố đã thực hiện 3 dự án bảo tồn và phát huy di sản, đó là nghiên cứu sưu tầm và phục dựng Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào dân tộc Khmer, Lễ cúng bình an của người Hoa ở Cái Răng và DSVHPVT Bánh tét Cần Thơ. Qua đó, các di sản này được ghi nhận và có biện pháp bảo tồn phù hợp. Điển hình như DSVHPVT Bánh tét Cần Thơ, theo ghi nhận qua thời gian, nghề làm bánh tét cũng có nhiều thay đổi, cải biến. Dự án đã tập trung nghiên cứu, ghi nhận và tư liệu hóa, đề xuất giải pháp để Bánh tét Cần Thơ được duy trì, phát triển và vươn xa, trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch tiêu biểu của thành phố. Điều đặc biệt là sau khi các dự án bảo tồn và phát huy di sản hoàn thành, thông tin di sản sẽ được lưu trữ, làm phim tư liệu để phục vụ khách tham quan tại Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu DSVHPVT các dân tộc Việt Nam.
Nhiều năm qua, triết lý về bảo tồn di sản được UNESCO khuyến cáo: Bảo tồn di sản mà không đem lại lợi ích cho cộng đồng thì việc bảo tồn sẽ không bền vững. Trong đó, việc xây dựng sản phẩm du lịch trên cơ sở tài nguyên văn hóa là cách làm hay. Ở Cần Thơ, để phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khai thác các giá trị di sản, văn hóa, địa phương đã xây dựng chiến lược phù hợp. Điển hình như với DSVHPVT quốc gia Văn hóa chợ nổi Cái Răng (được công nhận năm 2016), UBND quận Cái Răng đã xây dựng đề án bảo tồn và phát triển di sản gắn với hỗ trợ thương hồ, quảng bá hình ảnh chợ nổi.
Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Cái Răng, cho biết: Hiện nay, sản lượng hàng hóa, nông sản tiêu thụ tại chợ nổi Cái Răng có dấu hiệu ổn định, với từ 250-300 ghe, tàu mua bán, 8 điểm thu mua nông sản. Dịch vụ ăn uống, quà lưu niệm, đưa đón khách tham quan cũng phát triển, giúp nhiều hộ gia đình ổn định cuộc sống. Ông Lê Văn Hoàng nhận định, nhờ công tác truyền thông, quảng bá được đẩy mạnh nên hình ảnh chợ nổi Cái Răng vươn xa khắp nơi trên thế giới. Ông Nguyễn Văn Ba, thương hồ chợ nổi Cái Răng, nói: “Mấy năm qua tôi gắn bó với chợ nổi này, thấy được sự quan tâm của địa phương với thương hồ. Tết năm nào cũng được nhận quà, địa phương còn hỗ trợ các điều kiện sinh hoạt, vệ sinh môi trường, nhiều thương hồ còn được vay vốn”.
Điểm nổi bật trong quảng bá di sản Cần Thơ thời gian qua còn là việc lồng ghép trong các sự kiện văn hóa, du lịch, giới thiệu di sản trong trường học... Một số hoạt động vừa qua như biểu diễn Đờn ca tài tử phục vụ du khách ở chợ nổi Cái Răng, chương trình quảng bá di sản Đờn ca tài tử trong trường học, chương trình “Sân khấu học đường”... đã tạo được sức hút. Đặc biệt, di sản văn hóa Cần Thơ còn xuất hiện trong các hoạt động ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh địa phương đã giúp củng cố thêm vị thế trung tâm của TP Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL.
Quan điểm nhất quán trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT trên địa bàn thành phố là đưa di sản trở lại với cộng đồng, khơi dậy tình yêu, lòng tự hào truyền thống trong mỗi người dân đang thực hành di sản. Rõ ràng, yếu tố nền tảng, bền vững đã giúp di sản văn hóa Cần Thơ vẫn đang từng ngày lan tỏa.
Bài, ảnh: DUY KHÔI - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)