“Tên gọi của xe bus vẫn được giữ nguyên, chỉ thay đổi loại hình phương tiện theo quy định. Có thể hiểu, xe bus nội đô là loại hình phương tiện xe khách thành phố. Bộ GTVT sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan ban ngành, người dân để rà soát, chỉnh lý trong dự thảo Luật” - đại diện Bộ GTVT nêu quan điểm.
Tại Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ GTVT đưa ra dự thảo ở Điều 3, phần giải thích từ ngữ trong Luật này nêu rõ: “Xe ô-tô khách thành phố là xe ô-tô chở người từ 10 chỗ trở lên, kể cả người lái, có kết cấu và trang bị để vận chuyển hành khách trong thành phố và vùng lân cận; trên xe có bố trí các ghế ngồi, chỗ đứng cho hành khách; cho phép hành khách di chuyển phù hợp với việc dừng, đỗ xe thường xuyên”.
Về vấn đề này, đại diện Bộ GTVT cho biết, dự thảo Luật Giao thông đường bộ quy định, có ba loại hình kinh doanh vận tải hành khách, gồm xe hợp đồng, xe taxi và xe bus. Trong đó, xe bus được chia thành hai loại là xe bus nội đô và xe bus liên tỉnh.
“Tên gọi xe bus vẫn giữ nguyên, song xét về loại hình phương tiện kinh doanh thì xe bus nội đô sẽ là loại xe ô-tô khách thành phố, dựa theo quy chuẩn QCVN 10:2015/BGTVT, chứ không phải thay đổi tên xe bus sang xe khách thành phố. Luật Giao thông đường bộ trước đây không quy định cụ thể loại hình phương tiện với xe bus, song với dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lần này chỉ nói rõ hơn về quy định phương tiện loại hình vận tải là xe bus”, đại diện Bộ GTVT khẳng định.
Cụ thể, tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô-tô khách thành phố, cũng quy định: “Xe ô-tô khách thành phố (urban bus) là xe ô-tô khách được thiết kế và trang bị để dùng trong thành phố và ngoại ô, loại xe ô-tô này có bố trí các ghế ngồi và chỗ đứng cho khách, cho phép khách di chuyển phù hợp với việc dừng, đỗ xe thường xuyên”.
Trong khi đó, Quy chuẩn 6211:2003 về phương tiện giao thông đường bộ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2003 nêu rõ, ô-tô khách thành phố (urban bus) được định nghĩa là loại hình “được thiết kế và trang bị để dùng trong thành phố và ngoại ô; loại ô-tô này có các ghế ngồi và chỗ đứng cho hành khách; cho phép hành khách di chuyển phù hợp với việc đỗ xe thường xuyên.
Góp ý kiến về dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lần 2 về vấn đề này, đại diện Sở GTVT Thanh Hóa đề nghị điều chỉnh xe ô-tô bus là xe ô-tô khách thành phố, hoạt động vận tải hành khách công cộng theo hình thức xe bus bởi xe khách thành phố là tên gọi theo kết cấu phương tiện, có thể hoạt động theo hình thức hợp đồng đưa đón công nhân thì không thể gọi là xe bus. Còn xe buýt là tên gọi theo hình thức hoạt động.
Trước đó, vào cuối tháng 9, Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo góp ý về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ. Một trong những chi tiết đáng chú ý nhất tại hội thảo này là việc nhiều sở, ngành địa phương đã cùng thống nhất ý kiến đề nghị giữ nguyên tên xe bus thay vì có tên mới "xe khách thành phố" theo như dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi bởi nhiều ý kiến cho rằng thuật ngữ này khá lạ lẫm với người dân, không gần gũi với thực tiễn.
MINH TRANG - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)