Sáng 9-1, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với UBND TP Hà Nội, tổ chức Lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2024 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia; ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, đoàn thể… tham dự lễ phát động.
Tại lễ ra quân, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết tình hình trật tự an toàn giao thông trong năm 2023 đã có những chuyển biến rất tích cực. Tai nạn giao thông được kiềm chế và kéo giảm so với năm 2022, đặc biệt số người chết do tai nạn giao thông giảm rất sâu: 1.922 người chết (-14,18%).
Tuy nhiên, theo ông Hùng, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2024 tại Hà Nội
Với chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 tập trung vào 3 mục tiêu: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Hàng năm kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính và tại các đô thị lớn.
3 giải pháp đảm bảo an toàn giao thông
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2024 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị và địa phương. Đặc biệt triển, khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ngay trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó tập trung vào 3 nội dung chính:
Một là, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nêu gương thực hiện "Thượng tôn pháp luật".
Các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo nêu gương "Thượng tôn pháp luật", tạo động lực để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho cả xã hội.
Hai là, kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định; vi phạm chở hàng quá tải trọng; phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy…
Ba là, tăng cường quản lý, kiểm tra, bảo đảm an toàn kỹ thuật đối với phương tiện giao thông; tiếp tục nâng cao chất lượng và an toàn với các hoạt động kinh doanh vận tải...