Các sản phẩm nông sản chủ lực của Hậu Giang đã được dán tem truy xuất nguồn gốc qua điện thoại thông minh.
Đến nay, tỉnh đã hình thành các mô hình liên kết với các phương thức như: Đầu tư giống - thuốc bảo vệ thực vật - thu mua; đầu tư giống - thu mua; thu mua sản phẩm... Hiện nay, đã có nhiều công ty, doanh nghiệp đến Hậu Giang hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Đặc biệt, gần đây tỉnh còn thực hiện các mô hình nông nghiệp theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc để đảm bảo nguồn nông sản chất lượng cung ứng ra thị trường.
Những kết quả bước đầu
Trong năm 2018, chỉ tính riêng trên cây lúa có hơn 20 công ty, doanh nghiệp đăng ký liên kết bao tiêu tại các huyện, thị xã với tổng diện tích liên kết bao tiêu là 13.080ha, tỷ lệ thu mua theo hợp đồng đạt 99,94%. Trên địa bàn tỉnh cũng có 2 công ty (Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ và Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát) thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu mía với nông dân vùng nguyên liệu. Hàng năm, các công ty thực hiện ký hợp đồng bao tiêu với dân và cam kết thu mua hết lượng mía theo phân vùng của tỉnh. Nhìn chung, so với các cây trồng khác thì sản xuất cây mía của người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang những năm qua có đầu ra khá ổn định hơn. Năm 2018, dù tình hình giá mía đường xuống thấp, nhưng tổng diện tích mía mà các công ty ký hợp đồng bao tiêu là 5.683ha, đạt 53,7%.
Trên cây ăn trái, cũng đã thực hiện liên kết cung ứng giữa hộ dân với Siêu thị Co.opMart trong cung cấp chuối Nam Mỹ, sản lượng 1 tấn/tháng. Có 4 hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất và cung ứng chanh không hạt (500 tấn/năm), bưởi Nam Roi Phú Thành (440 tấn/năm), khóm Cầu Đúc (11.000 tấn khóm/năm), quýt đường Long Trị (260 tấn/năm).
Hậu Giang hiện nay cũng đã hình thành và phát triển một số câu lạc bộ, HTX trồng rau nhưng cũng chỉ ở mức độ các mô hình sản xuất rau an toàn chứ chưa đi lên phát triển theo hướng VietGAP do nhiều điều kiện. Tuy nhiên, từ năm 2010 mô hình trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP bắt đầu thí điểm tại HTX trồng dưa hấu ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, trên diện tích 10ha với 15 hộ tham gia. Đến gần cuối năm 2011, HTX trồng dưa hấu này đã chính thức được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 công nhận cho 15 xã viên sản xuất dưa hấu đạt chứng chỉ VietGAP. Với việc được chứng nhận VietGAP thì hầu hết sản phẩm làm ra của HTX đã được công ty, doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu ổn định đầu ra cho dưa hấu. Ngoài ra, cây đậu bắp Nhật gần đây cũng được Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu bao tiêu nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ.
Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng đang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới như: xây dựng hầm ủ biogas giúp nông dân tận dụng được nguồn khí đốt để dùng trong sinh hoạt của hộ gia đình. Việc nuôi heo và gà, vịt trên đệm lót sinh học xử lý môi trường đã hạn chế được mầm bệnh trong chăn nuôi. Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh, cho biết kết quả trên bên cạnh được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Trung ương, tỉnh, còn có việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án và mô hình sản xuất nông nghiệp nên việc thực hiện và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từng bước tạo được lòng tin trong dân được dân tin tưởng và tích cực tham gia sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng thực hiện tốt công tác tuyên truyền giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cơ chế, chính sách, cũng như những ưu điểm, lợi ích khi liên kết sản xuất theo chuỗi. Từ đó, bước đầu đã thay đổi được nhận thức của người dân trong quy trình, kỹ thuật canh tác, thay đổi tập quán sản xuất theo kiểu truyền thống. Mối liên kết 4 nhà từng bước được gắn kết chặt chẽ, trong đó sự tham gia và vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp tạo điều kiện tốt cho người dân trong sản xuất lúa hiệu quả và bền vững...
Còn nhiều bất cập
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, thời gian qua, việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi thông qua hợp đồng thu mua nông sản còn nhỏ lẻ, mang tính thí điểm; tốc độ mở rộng diện tích liên kết sản xuất thực hiện còn chậm. Tỷ lệ thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp tuy có tăng nhưng mức độ thành công còn thấp. Việc sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu là theo hộ gia đình, quy mô đất đai của hộ còn thấp (khoảng 0,8-1 ha/hộ); thị trường tiêu thụ chưa ổn định, giá cả nông sản luôn biến động. Đồng thời, người dân chưa quen sản xuất theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp mà chỉ sản xuất theo điều kiện sẵn có. Ngoài ra, đa số doanh nghiệp hiện nay chưa đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho nông dân; chưa đủ năng lực để tổ chức hệ thống thu mua nên hình thức thu mua nông sản chủ yếu là qua thương lái.
Một vấn đề nữa là hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa đa dạng, mới chỉ dừng lại ở liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa tổ chức của nông dân với doanh nghiệp... Hiện nay, phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác nguồn lực còn yếu và thiếu, chưa đảm nhận tốt khâu tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng nông sản theo quy trình sản xuất tiên tiến. Chưa hỗ trợ được nông dân thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; kiến thức kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Việc ghi chép sổ sách nhật ký sản xuất của nông dân còn nhiều hạn chế, nhiều người chưa có thói quen ghi chép nên gặp khó khăn đến việc hạch toán kinh tế, chứng nhận các tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc nông sản.
Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho rằng: Mặc dù tỉnh đã có quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tương ứng với các cây con chủ lực ở từng địa phương, tuy nhiên việc triển khai tổ chức sản xuất theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn, nhiều nông dân còn sản xuất tự phát không theo quy hoạch. Công tác quy hoạch chuyên sâu, chi tiết, tổ chức sản xuất, nhất là kinh tế hợp tác phục vụ cho liên kết sản xuất theo chuỗi chưa đạt yêu cầu. Chưa có cơ chế, chế tài hợp lý để xử lý tình trạng “bẻ kèo” trong các cam kết bao tiêu nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân. Cơ chế, chính sách của tỉnh chưa đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi thông qua hợp đồng thu mua nông sản. Chưa có sự tham gia nhiều của các chủ thể quan trọng khác như: nhà khoa học, ngân hàng… để tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển, nhân rộng mô hình liên kết trên địa bàn tỉnh. Lợi ích và vai trò của các bên tham gia chưa rõ nên chưa kích thích sự tham gia của các chủ thể trong quá trình tổ chức thực hiện...
PGS. TS Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: Hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất trên cùng một cánh đồng sẽ giúp giảm chi phí do hầu hết các khâu được cơ giới hóa, tăng khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng. Liên kết sản xuất giữa nông dân với nhau và nông dân với doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, cung cấp nông sản đủ về số lượng. Từ đó, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm thời gian cho doanh nghiệp thực hiện hợp đồng sản xuất, kinh doanh với đối tác để tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, tới đây sẽ tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xem việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn, mô hình tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, hợp đồng tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những mũi đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng cánh đồng lớn, mô hình tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, hợp đồng tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tập trung cho cánh đồng lớn. Phát triển vùng chuyên canh các đối tượng thế mạnh của tỉnh theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc và liên kết bao tiêu sản phẩm…