Trong nỗ lực vực dậy sức mạnh to lớn của nông dân, khái niệm mô hình sản xuất ra đời, kế đó là mô hình thí điểm và nhân rộng mô hình.
Không có thống kê nào chỉ rõ đã có bao nhiêu cái gọi là mô hình, sinh ra, sôi nổi rồi tàn lụi theo một trình tự gần như bất biến. Nông dân Cà Mau cũng không ngoại lệ. Để thử chỉ ra một mô hình có khả năng đáp ứng các tiêu chí: Ứng dụng, nhân rộng, hiệu quả thì thật hiếm. Mô hình ngốn cũng không ít tiền bạc, công sức, sự kỳ vọng của xã hội, nhưng cái thu lại thì quá khiêm tốn.
Nghịch lý mô hình
Có một thực tế mà các nhà quản lý, nhà khoa học ít quan tâm đến, nếu không có mô hình thì bà con nông dân vẫn ngàn đời lao động, vẫn trồng trọt, chăn nuôi. Mô hình chỉ hiệu quả khi người dân tin, làm được, làm hiệu quả và duy trì bền vững. Ấy vậy mà hầu như các mô hình được triển khai ở Cà Mau nói riêng đều theo những lối mòn cứng nhắc: Hoặc là quá mới, quá cao siêu, quá khó ứng dụng; Hoặc là nhàm chán, thiếu sức hút.
Phó chủ tịch UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước Hà Phương Đông cho biết: “Để mô hình sản xuất được nhân rộng thì cần nhiều yếu tố. Trong đó, nông dân phải có hiểu biết, trình độ, sự hợp tác. Thứ hai, mô hình phải đầu tư theo hướng bền vững, có sự kết nối lâu dài”. Tất cả những điều đó khiến xã Hoà Mỹ cứ đau đáu chuyện sinh kế và phát triển kinh tế cho người nông dân.
Mô hình tôm - lúa xen canh rau màu của ông Nguyễn Bé Bảy là gợi ý tham khảo để chính quyền xã Hoà Mỹ tiến hành nhân rộng tại ấp Thị Tường B..
Đơn cử như mô hình thí điểm nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn của Trường Đại học Cần Thơ phối kết hợp với địa phương Cái Nước triển khai tại Hoà Mỹ. Mô hình bắt đầu bằng sự rầm rộ kèm theo nỗi tò mò của người nông dân nơi đây. Hộ nằm trong chương trình thí điểm được đầu tư xây dựng hầm trải bạt, hệ thống quạt, dàn ô xy đáy, kèm theo đó là kỹ sư chuyên ngành cầm tay chỉ việc suốt quá trình nuôi. Vừa thấy được tia sáng le lói, thì đột ngột mô hình thí điểm kết thúc. Còn lại xác mô hình và cơ hồ là biết bao ánh mắt thất thần của người nông dân.
Như lời của ông Hà, khi mô hình thí điểm kết thúc, người nông dân phải tự lo liệu lấy. Nhiều người biến tấu theo kiểu “tam sao thất bản”, còn đa phần bà con chỉ học lóm, làm không bài bản, kết quả là sự biến tướng của mô hình… thành ra mô hình cũng như không có mô hình.
Ông Lê Minh Tặng, một cán bộ về hưu nằm trong chương trình thí điểm mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn kể trên. Qua tâm tình của ông, mới thấy cái khó của việc thực hiện và nhân rộng mô hình của vùng nông thôn Hoà Mỹ. Ông Tặng tâm sự: “Đâu phải bà con nào cũng có đủ điều kiện để làm những mô hình như vậy. Mình không giúp vốn, khoa học, người cầm tay chỉ việc thì còn lâu mới nói tới chuyện nhân rộng”. Ngay ở ấp Cái Bát, nhiều người thấy ông Tặng có mô hình hay, hiệu quả, lân la học hỏi nhưng khi tìm hiểu kỹ, họ lắc đầu: “Cái này lu bu quá, tốn kém quá, sức tui chắc làm không nổi”. Mô hình sinh ra vì mục đích gì để người dân dù thòm thèm nhưng cũng phải ngao ngán chối từ.
Ông Lê Minh Tặng đang kiểm tra quá trình lên men vi sinh, xử lý ao dèo tôm theo phương pháp 2 giai đoạn. Theo ông Tặng, nhiều bà con ở ấp Cái Bát dù muốn làm nhưng chưa đủ điều kiện để thực hiện mô hình.
Ngay ở khâu đầu tiên, đó là giúp bà con nông dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, sản xuất khoa học, có năng suất đã rất rối. Thế nên, việc liên kết chuỗi giá trị, nâng cao giá trị hàng hoá nông sản là câu chuyện chưa thể bàn đến. Đúng là nông thôn Cà Mau, trong đó có đời sống của người nông dân đã cải thiện hết sức tích cực, song chất chứa trong đó vẫn là những lo lắng, day dứt mà chưa ai có thể giúp họ tháo gỡ. Còn một điều nữa, mô hình cứ sinh ra rồi trôi nổi, không người nuôi nấng thế kia, liệu rằng có làm mai một lòng tin của người nông dân? Đến chừng mực nào đó, người nông dân sẽ chỉ tin và làm theo cách của mình. Liệu rằng mô hình có trở nên xa lạ và trở thành nỗi ám ảnh của người nông dân, khác hoàn toàn với mục đích và kỳ vọng ban đầu của nó.
Mô hình “ăn chắc mặc bền”
"Ăn chắc mặc bền" là lựa chọn được truyền từ đời này sang đời khác của người nông dân. Nó bao hàm sự an toàn, ít rủi ro, phù hợp với điều kiện và quan trọng nhất là khỏi cần đổi mới thói quen. Xã Hoà Mỹ xây dựng mô hình cũng dựa vào những phân tích rất kỹ lưỡng thói quen, nếp nghĩ, cách làm của người nông dân. Đại để tên của mô hình là tôm - lúa, đa cây đa con trên cùng diện tích… Tìm về nhà ông Nguyễn Bé Bảy, ấp Thị Tường B, hộ nông dân quyết không từ bỏ cây lúa dù đất đai đã chuyển dịch ngót 20 năm, ông nói: “Trồng lúa trên đất nuôi tôm lợi nhiều lắm. Nếu kẹt tôm chết mình cũng còn ít lúa dí trong bồ để ăn. Con tôm có thêm môi trường sống sạch, có nguồn thức ăn”.
Ông Bảy làm lúa trên vuông tôm khi trúng, khi thất, nhưng được bà con lân cận đánh giá “cái này thì hạp quá trời rồi còn gì”. Từ ông Bảy và vài hộ lân cận, xã Hoà Mỹ tham mưu cấp trên, hình thành mô hình tôm - lúa, thí điểm trên 10 hộ của Thị Tường B. Tưởng gì cao siêu chớ trồng lúa, nuôi tôm bà con làm ngon ơ. Có vụ tôm, mỗi đêm ông Bảy bán năm bảy chục ký tôm sú cỡ bự. Bà con nhiều người trầm trồ, ấy vậy mà lạ, họ cứ ngạc nhiên mà vẫn cứ để vuông tôm trống huơ, trống hoác. Ông Bảy kể, mình tình thiệt, hỏi họ sao không mần thử, có người trả lời, ông trong mô hình được hỗ trợ lúa giống, phân bón, tụi tôi mần thì bỏ tiền nhà ra à? Ông Bảy chỉ cười rồi nói bâng quơ: “Chớ mấy ông trúng lúa, trúng tôm thì có ai vô ăn ké đâu”.
Ông Trần Văn Dũng đúc kết: “Ông bà mần sao, mình mần vậy”. Cơ ngơi mà ông gầy dựng được quả thật rất đáng khâm phục.
Chẳng cần nghiên cứu, học hỏi hay hỗ trợ từ mô hình thí điểm, ông Trần Văn Dũng cũng sống khoẻ re với phương châm: “Hồi đó ông bà mần sao, mình mần vậy”. Khuôn viên khu vườn hơn 3 công, ông lên liếp trồng “hằm bà lằn”, chuối, xoài, ổi, mít, mãng cầu, dưa gang, rau màu. Mùa nào thức ấy, sáng sáng vợ ông Dũng mang mấy cặp đệm cây nhà lá vườn ngồi ven quốc lộ bán cho khách qua lại. Mỗi ngày ít thì hơn trăm ngàn, nhiều thì vài trăm, cứ thế cuộc đời bình thản trôi. Khi được hỏi, sao mình không mở rộng mô hình, “mần ăn lớn” hơn, ông Dũng cười nhe hàm răng còn mấy chiếc: “Già rồi, hết sức mần con ơi. Mình ăn chắc mặc bền cho khoẻ”.
Đúng là làm như ông Dũng thì khoẻ re, chẳng có rủi ro nào, nhưng nghĩ tới nông dân bên Nhật, nông dân bên Tây thì vẫn có cái cảm giác nghẹn bứ, tồi tội. Ai không muốn giàu, có lẽ muốn nhất là người nông dân. Nhưng họ sợ, khi đi ra biển lớn không người dẫn dắt, không phao cứu sinh, thân cô, thế cô thì đi chỉ có đường thiệt thân.
Trở lại với câu chuyện mô hình, đừng tưởng người nông dân thấy khó quá mà không làm được, vấn đề cốt lõi là có đủ sức thuyết phục để họ làm hay không mà thôi. Mô hình có thể không mới, có thể không quy mô, nhưng cái cần nhất là phù hợp, đúng và trúng với điều kiện, tâm tư nguyện vọng của người nông dân. Cần sự dẫn dắt tiên phong, một chỗ dựa, một người bạn đồng hành lâu dài, một cam kết bền vững. Tất cả những yếu tố đó thì hầu hết các mô hình hiện nay đang thiếu. Rồi mô hình sẽ về đâu khi sớm nở tối tàn trong ánh mắt ngờ vực của người nông dân?./.