Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, toàn huyện có khoảng 3.000 ha khoai mỡ, tập trung ở xã Thủy Đông, Tân Tây, Thạnh An. Khoai mỡ được dùng chế biến món ăn cho gia đình và nguyên liệu cho ngành công nghiệp. Khác với các năm trước, năm nay, khoai mỡ giảm giá, nông dân gặp nhiều khó khăn về giá cả lẫn đầu ra. Đến nay, toàn huyện còn khoảng 1.700ha khoai tới lứa thu hoạch nhưng nông dân chưa đào, bởi giá quá thấp và thương lái cũng ít mua như lúc giá cao.
Để sản xuất 1 ha khoai mỡ từ lúc xuống giống cho đến khi thu hoạch, nông dân phải tốn chi phí từ 60 - 65 triệu đồng. Nếu vụ khoai trúng mùa, bình quân 1ha nông dân thu hoạch khoảng 18 - 20 tấn. Nhưng năm nay, ngoài giá khoai giảm thì nhiều ruộng khoai không trúng mùa. Hiện nay, khoai loại 1, củ to và không chia nhánh, thương lái mua tại ruộng chỉ với giá 3.000 đồng/kg. Riêng khoai loại 2 hoặc khoai nhỏ, giá chỉ ở mức 1.000 - 1.500 đồng/kg.
Ngoài bỏ vốn đầu tư, nông dân còn phải thuê nhân công thu hoạch khoai. Bình quân nhân công thu hoạch khoai có mức giá từ 18 - 20 triệu đồng/ha. 1ha khoai mỡ hiện nay, tính chi phí đầu tư và thuê nhân công thu hoạch, nông dân thua lỗ bình quân từ 20 - 25 triệu đồng. Vì vậy, hiện có không ít ruộng khoai tới lứa, nhưng nông dân không thu hoạch. Tình cảnh khoai được nông dân thu hoạch và chất thành từng đống nhưng chưa có thương lái đến mua cũng diễn ra.
Khoai mỡ giảm giá, nông dân thua lỗ
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, một trong những nguyên nhân khiến giá khoai mỡ giảm như hiện nay là do nông dân nhiều địa phương lân cận huyện Thạnh Hóa (thuộc tỉnh Tiền Giang) trồng khoai mỡ rất nhiều. Chính diện tích trồng khoai mỡ tăng cao dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Hiện các phòng chuyên môn huyện Thạnh Hóa đang tìm mọi cách giúp nông dân tiêu thụ khoai thông qua các thương lái, chợ đầu mối tại TP.HCM./.