Sản xuất cây giống sầu riêng ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách.
Những kết quả bước đầu
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, năm 2018, diện tích cây giống trên toàn huyện là 1.250ha, tập trung tại các xã: Vĩnh Thành, Phú Sơn, Hưng Khánh Trung B, Long Thới, sản lượng đạt trên 22 triệu cây giống, trong đó xuất bán đạt trên 80%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, huyện sản xuất đạt 12 triệu cây giống. Để nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất cây giống, huyện tập trung tổ chức lại sản xuất bằng cách xây dựng các liên kết ngang với hình thức hoạt động hợp tác xã và tổ chức các liên kết dọc thông qua hình thức xúc tiến thương mại, kết nối thị trường. Toàn huyện hiện có 8/11 hợp tác xã sản xuất cây giống.
Đối với cây ăn trái đặc sản, huyện có trên 5.000ha, chiếm 61,4% tổng diện tích cây ăn trái, trong đó nhiều nhất là cây chôm chôm trên 3.000ha, sầu riêng trên 1.000ha, còn lại là bưởi da xanh. Ông Lê Văn Đơn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Từ năm 2014 - 2017, diện tích trồng cây ăn trái đặc sản trên địa bàn huyện có sự gia tăng, trong khi tổng diện tích cây ăn trái lại giảm (một phần do ảnh hưởng hạn mặn), cho thấy có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển cây có giá trị kinh tế cao.
Người nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt như phương pháp xử lý ra hoa nghịch vụ, sản xuất rải vụ nên cây ăn trái cho năng suất bình quân khá cao, trên 22 tấn/ha, chôm chôm và sầu riêng trên 26 tấn/ha. Đến nay, có hơn 600ha cây ăn trái được áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP); trong đó, trên 144ha (238 hộ) đã đạt chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. Các doanh nghiệp nước ngoài đã lần lượt đến huyện xác lập mã cost (mã vùng) sản xuất chôm chôm để tham gia thị trường xuất khẩu. Vĩnh Bình và Sơn Định đã được cấp mã vùng sản xuất chôm chôm xuất khẩu Trung Quốc với 37,46ha, sản lượng 786 tấn, 9 cơ sở xuất khẩu.
Nâng cao chuỗi giá trị
Theo đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng chuỗi giá trị trên địa bàn huyện trong thời gian qua, việc cụ thể hóa còn lúng túng, chỉ mới tập trung vào việc xây dựng, củng cố các tổ hợp tác và hợp tác xã. Sản xuất nông nghiệp còn chủ yếu là kinh tế hộ, nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, giữa nông dân với tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua còn rời rạc, thường rơi vào tình trạng không tuân thủ hợp đồng liên kết trong thu mua từ phía người sản xuất.
Theo nhận định của ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chính tập quán sản xuất manh mún, diện tích nhỏ lẻ khiến cho việc muốn quy tụ diện tích đất để tập trung sản xuất cũng khó, đây là một trong các khó khăn trong quá trình thành lập chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, tình hình chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân cũng chưa triệt để, chất lượng sản phẩm làm ra không được đồng đều, điều này cũng gây khó khăn trong thu mua của doanh nghiệp. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Chợ Lách mà còn là thực trạng chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Võ Văn Nam, để nâng cao các chuỗi giá trị nông sản của tỉnh, ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn đầy đủ hơn cho nông dân trong việc thực hiện chuỗi, chuyển giao khoa học kỹ thuật để làm ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Mời gọi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia chuỗi để phong phú, tạo điều kiện cho đầu ra nông sản của bà con đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Về phía Chợ Lách, huyện sẽ tập trung triển khai xây dựng, củng cố lại các chuỗi giá trị hiện có theo hướng như trên, nâng chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã cho đúng thực chất, đồng thời mở rộng kết nối thị trường.