Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Cù Minh Trọng cho biết, là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nên huyện Châu Thành đã và đang tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Huyện Châu Thành đang rà soát, cơ cấu lại các lĩnh vực của ngành, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển nhiều sản phẩm chất lượng cao mang tính cạnh tranh, đồng thời quan tâm đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi nhằm tạo sự liên thông trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Huyện Châu Thành đang tích cực vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi các mô hình canh tác phù hợp với từng vùng để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện có trên 1.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại rau màu và trồng cây ăn trái, gồm: xoài, quýt, cam, chuối, chanh, ổi…
Phát triển rau màu an toàn hướng đến chuyên canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh liên sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân… Đây là một trong những mục tiêu hướng đến của địa phương trong thời gian tới. Huyện Châu Thành đang từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, thích ứng với từng vùng, từng địa phương và biến đổi khí hậu. Trong đó tập trung hình thành vùng chuyên canh rau màu an toàn xã Bình Thạnh theo hướng công nghệ cao; củng cố, nâng cao năng lực của các hợp tác xã và tổ hợp tác để hình thành các liên kết ngang phục vụ cho chuỗi sản xuất rau màu.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Đoàn Đức Dịnh cho biết, huyện Châu Thành đang phối hợp Công ty Trồng rau sạch Đô thị Sài Gòn (Sai Gon Farm) để thực hiện liên kết vùng nguyên liệu rau màu trên địa bàn huyện, trong đó tập trung ở xã Bình Thạnh, với các loại rau màu, như: cải rổ, bắp nữ hoàng, bí ăn nụ, khoai mỡ, chuối. Giai đoạn 1 (từ nay đến cuối năm 2019), công ty sẽ ký kết sản xuất 20ha. Sau đó, sẽ nhân rộng diện tích lên gần 100ha vào giai đoạn 2 (bắt đầu từ năm 2020), với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Khi tham gia chuỗi liên kết với Sai Gon Farm, ngoài việc được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, quy trình thu hoạch, cách sơ chế… nông dân được công ty bao tiêu, thu mua sản phẩm với giá bán được ký kết từ đầu vụ. “Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện phối hợp chính quyền xã Bình Thạnh rà soát, sắp xếp lại vùng sản xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án” - ông Dịnh cho biết thêm.
Ông Cù Minh Trọng nhấn mạnh, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành liên quan khẩn trương hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng hệ thống thủy lợi công nghệ cao vùng chuyên canh rau màu xã Bình Thạnh vào cuối năm 2019; sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ sản xuất xã Bình Thạnh để trình UBND huyện phê duyệt. Khi các dự án hạ tầng, quy hoạch chi tiết hoàn thành sẽ tạo tiền đề để xã Bình Thạnh không những phục vụ tốt nhu cầu sản xuất cho vùng chuyên canh rau màu, mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Trước mắt, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Sai Gon Farm thực hiện vùng nguyên liệu rau màu ở địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các loại sản phẩm có tính cạnh tranh cao, có tiềm năng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Cù Minh Trọng chia sẻ: “Mục tiêu của địa phương là phát triển vùng chuyên canh rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao và xây dựng thương hiệu rau xã Bình Thạnh. Trong đó quan trọng nhất là xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định khi mở rộng vùng rau theo quy mô sản xuất lớn. Huyện khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để giảm chi phí, cạnh tranh về giá, chất lượng cho rau màu”. |