Nông dân thu hoạch tôm càng xanh (mô hình nuôi tôm sinh thái) ở huyện Hồng Dân.
Từ mô hình nuôi tôm sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu...
Nói đến chất lượng con tôm thì Bạc Liêu được xếp đứng đầu do địa phương có nhiều mô hình nuôi tôm sinh thái cho chất lượng cao. Điển hình là mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp; nuôi tôm kết hợp như tôm - cua - rừng, tôm - lúa. Các mô hình này cho ra những con tôm “sạch”, có giá trị kinh tế cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Nuôi tôm quảng canh là mô hình nuôi tôm sinh thái đầu tiên của tỉnh. Tôm nuôi được thả lan trong vuông, không sử dụng thức ăn thủy sản. Đây còn gọi là mô hình nuôi tôm sú thả tự nhiên. Nông dân tận dụng mặt nước thả nuôi tôm - cua - cá kết hợp thâm canh trên cùng diện tích. Sản phẩm tôm, cua, cá nuôi từ các mô hình này đạt chất lượng vì không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào.
Nhiều hộ dân nhận đất khoán rừng ven biển đã tận dụng mặt nước dưới tán rừng áp dụng mô hình tôm - cua - cá - rừng. Mô hình này mang lại lợi nhuận từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Toàn tỉnh hiện có hơn 8.000ha áp dụng mô hình tôm - cua - rừng, tập trung ở các địa phương ven biển như huyện Đông Hải (2.202ha), TP. Bạc Liêu (1.082ha), huyện Hòa Bình (4.800ha). Các hộ thả tôm dưới tán rừng với mật độ từ 1 - 2 con/m2 mặt nước, thả cua từ 500 - 700 con/ha, áp dụng quy trình nuôi thả thưa, lấy nước ra - vào theo thủy triều. Nuôi tôm - cua dưới tán rừng không bổ sung thức ăn, hình thức thu tỉa thả bù.
Vùng chuyển đổi huyện Phước Long, Hồng Dân và một phần TX. Giá Rai thì có mô hình lúa - tôm. Đây là một trong những mô hình được đánh giá hiệu quả, bền vững với tổng diện tích thực hiện hơn 35.000ha. Với mô hình này, con tôm chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên sau vụ lúa mà không cần bổ sung thức ăn. Thời gian vụ tôm nuôi từ tháng 2 - 7, vụ lúa từ tháng 9 - 12 âm lịch. Ngoài ra, ngay vụ sản xuất lúa, nông dân còn kết hợp thả nuôi tôm càng xanh dưới gốc lúa. Mô hình lúa - tôm mang lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha, được khẳng định là mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện chuỗi liên kết cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân áp dụng các mô hình nuôi tôm sinh thái đạt tiêu chuẩn Global GAP/ASC.
Công ty Việt Úc - Bạc Liêu thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín.
Công nhân công ty chế biến thủy sản xuất khẩu (TX. Giá Rai) sơ chế tôm xuất khẩu. Ảnh: L.D - M.Đ
... Đến nuôi tôm công nghệ cao...
Gần đây, ở Bạc Liêu có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp áp dụng những mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả như mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín của Tập đoàn Việt - Úc, mô hình nuôi tôm công nghệ cao bể nổi của Công ty Long Mạnh, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh…
Thấy được hiệu quả của các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, lãnh đạo tỉnh cùng các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ đặt kỳ vọng đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, đưa Việt Nam trở thành thủ phủ tôm của thế giới.
Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, cho rằng: “Công nghệ có vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị ngành tôm, từ tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn, tôm nuôi và chế biến. Do vậy, Tập đoàn Việt - Úc đã phối hợp với Viện Tôm của Úc chọn lai tạo, chọn giống nhằm chủ động nguồn giống bố mẹ. Đồng thời sở hữu công nghệ sản xuất tôm giống tiên tiến và đứng đầu tại Việt Nam về cung cấp giống. Về thức ăn thủy sản, tập đoàn cũng đã sở hữu công nghệ riêng. Khâu tôm nuôi thì áp dụng công nghệ nuôi thâm canh trong nhà kín”.
Tập đoàn Việt - Úc đang nhân rộng công nghệ nuôi tôm hiện đại bằng cách chuyển giao cho các hộ nông dân nuôi tôm với quy mô nhỏ, và ký hợp đồng bán tôm nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Hướng phát triển trong thời gian tới là tập đoàn sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để chế biến tôm thành một chuỗi giá trị khép kín và xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc.
Hiện nay, toàn tỉnh có 10 công ty, doanh nghiệp, đơn vị thực hiện mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 1.240ha; năng suất bình quân 20 - 25 tấn/ha/vụ, cá biệt có nơi đạt 30 - 40 tấn/ha/vụ. Bên cạnh đó, có 299 hộ dân nuôi tôm ứng dụng các mô hình công nghệ cao với tổng diện tích hơn 890ha.
Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh: “Nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả rất cao. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh cần chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho các hộ nuôi tôm, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng con tôm. Còn các mô hình nuôi tôm sinh thái thì tiếp tục sản xuất tôm đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu ở các thị trường”.
Từ ngày 27 - 29/6/2019, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Ngoại giao, Tập đoàn FLC và Tập đoàn Việt - Úc tổ chức sự kiện quảng bá tôm Bạc Liêu với chủ đề “Tôm Bạc Liêu - Hương vị Việt Nam” tại tỉnh Quảng Ninh. Tại sự kiện này, nhiều đầu bếp trong và ngoài nước sẽ chế biến nhiều món ăn hấp dẫn từ con tôm Bạc Liêu, các món ăn mang hương vị độc đáo từ những con tôm tươi ngon của vùng đất Tây Nam bộ. Qua đó, khẳng định chất lượng và xây dựng thương hiệu tôm Bạc Liêu - tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.