Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của chị Nguyễn Thị Cắt. Ảnh: M.L
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới được chị Cắt đầu tư với số tiền 30 triệu đồng, thực hiện trên diện tích 500m2 kết hợp với hệ thống tưới phun tự động. So với mô hình trồng rau truyền thống, mô hình này có nhiều ưu điểm như: ngăn các loại côn trùng gây bệnh xâm nhập; hạn chế việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật; giảm công lao động; che nắng, chắn gió, mưa bảo vệ cho rau không bị dập; trồng luân canh nhiều vụ, mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng rau thông thường.
Sau gần 2 tháng thực hiện mô hình, chi Cắt thu hoạch 2,5 tấn cải rổ, lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Cắt chia sẻ: “Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới đem lại lợi nhuận khá cao; chỉ cần đầu tư một lần là có thể thực hiện được nhiều năm. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư trồng 3 vụ/năm, đó là 1 vụ chuyên canh cây cải rổ (vụ mùa khô) và 2 vụ trồng xen canh cải rổ với ngò rí hoặc cần tây (vụ mùa mưa). Ước tính, tổng lợi nhuận mang lại cho gia đình tôi trên 100 triệu đồng/năm”.
Theo bà Trương Kim Khuyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Bạc Liêu: “Thời gian tới, Hội LHPN thành phố sẽ chỉ đạo Hội LHPN xã Hiệp Thành tuyên truyền, nhân rộng mô hình trồng rau trong nhà lưới cho hội viên trên địa bàn. Đồng thời thành lập tổ hợp tác trồng rau an toàn, tạo điều kiện tiến tới thành lập hợp tác xã nhằm đảm bảo nguồn thu nhập của chị em, góp phần đưa nguồn nông sản sạch, chất lượng, an toàn cung ứng cho thị trường”.