Gia đình ông Đặng Văn Tuấn có 7 ha tiêu trồng tại xã Lộc Thuận (Lộc Ninh). Năm 2010, trong một lần sang Campuchia đào giếng thuê, ông Tuấn thấy một giống tiêu lạ nên đã xin vài dây về trồng thử. Sau khi cây tiêu phát triển tốt, ông Tuấn lai ghép với giống tiêu Amazon trở thành giống tiêu đầu dòng BP-TĐT1 như hiện nay. Ông Tuấn cho biết: “Tôi thấy giống tiêu lạ nên xin về trồng. Khi cây lớn tôi thử ghép với giống tiêu Amazon có sẵn trong vườn, không ngờ cây phát triển tốt như hiện nay”.
Giống tiêu mới BP-TĐT1 có chiều cao cây 4,5m, đường kính tán 1,5m, chóp cành non có màu hồng nhạt. Qua nhiều năm theo dõi, ông Tuấn chưa thấy biểu hiện nhiễm bệnh nào, không có sự xuất hiện bệnh thán thư dù ở mức độ nhẹ trên giống tiêu này. Ông Tuấn cho biết, ngày trước khi mới lai ghép được giống tiêu này, sợ không hiệu quả nên ông trồng thử cả 2 giống tiêu mới và cũ vào cùng một trụ. Cùng chế độ chăm sóc, bón phân, phòng bệnh nhưng sức đề kháng của giống tiêu mới tốt, ít bệnh, cho năng suất cao hơn.
Ông Đặng Văn Tuấn trú ấp 1B, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) bên trụ tiêu giống mới BP-TĐT1 đã được cấp giấy chứng nhận cây đầu dòng
Năm 2012, ông Tuấn gửi đơn lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, xác nhận về giống tiêu mới của gia đình. Sở đã giao Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kiểm tra, theo dõi tình hình phát triển, sâu bệnh cũng như các chỉ số về nông học của giống tiêu này. Qua xét các tiêu chí nông học, yếu tố cấu thành năng suất và năng suất hạt tiêu đen của giống tiêu BP-TĐT1 đều cao hơn so với tiêu Vĩnh Linh được trồng phổ biến tại địa phương. Chỉ tiêu sau thu hoạch của giống tiêu mới đạt tiêu chuẩn Việt Nam hạt tiêu đen xuất khẩu, hàm lượng piperine thấp hơn tiêu chuẩn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Riêng về năng suất, nếu so sánh với tiêu Vĩnh Linh thì loại tiêu mới này vượt trội. Cụ thể, niên vụ 2015-2016, vườn tiêu BP-TĐT1 năng suất đạt 7,8 tấn/ha, trong khi đó tiêu Vĩnh Linh chỉ đạt 4,5 tấn/ha; niên vụ 2016-2017, năng suất giống tiêu mới đạt 8,4 tấn/ha, còn tiêu Vĩnh Linh là 4,6 tấn/ha; niên vụ 2017-2018, năng suất tiêu BP-TĐT1 đạt khoảng 6,9 tấn/ha, tiêu Vĩnh Linh chỉ khoảng 3,7 tấn/ha. Trong điều kiện khí hậu, đất đai và phương thức chăm sóc như nhau trên một vườn và cũng như những vườn tiêu khác ở huyện Lộc Ninh thì đến năm thứ 4-5 năng suất trung bình của giống tiêu mới đạt 5-6kg/trụ. Thậm chí có những trụ năng suất 15kg. Chiều dài chùm hạt, kích cỡ và số lượng hạt/chùm giống tiêu mới dao động ngưỡng trung bình 15-17cm, đạt 80-85 hạt/chùm, kích thước hạt có đường kính 3,2-3,5mm. Qua đếm khảo sát, giống tiêu mới chỉ có từ 85-90 chùm/kg, còn tiêu Vĩnh Linh phải có số lượng gần 900 chùm mới được 1kg.
Qua 6 năm theo dõi liên tục tại vườn nhà ông Tuấn và đã thấy được hiệu quả kinh tế cũng như các chỉ số nông học của giống tiêu mới này, giữa tháng 11-2017, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đề nghị cơ quan chức năng xem xét công nhận giống tiêu mới này nhằm bổ sung nguồn hồ tiêu, phục vụ sản xuất, đồng thời góp phần vào chương trình phát triển hồ tiêu bền vững tại Bình Phước.
Từ những kết quả đó, ngày 12-3-2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận cây đầu dòng cho giống tiêu BP-TĐT1 của ông Đặng Văn Tuấn. Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho khảo nghiệm trên diện rộng tại địa bàn để làm cơ sở trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ để đăng ký nhãn hiệu, xác nhận quyền sở hữu trí tuệ cho giống tiêu BP-TĐT1 mới tại huyện Lộc Ninh.