Nuôi ba ba là mô hình được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định ở thị trấn Búng Tàu.
Ngày xưa, thời điểm mía có giá, có gia đình thu nhập gần tỉ đồng, nhiều căn nhà tường khang trang mọc lên khắp các vùng quê ở thị trấn Búng Tàu nhờ vào mía. Thị trấn có cả Câu lạc bộ trồng mía 200 tấn, từng là niềm tự hào của vùng đất này. Trước đây, tỉnh chọn xã Tân Phước Hưng và thị trấn Búng Tàu là vùng mía nguyên liệu của tỉnh, nhưng 4-5 năm nay, mía rớt giá, người dân không đủ hoàn vốn sau mỗi vụ mía, thế là phải chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với tình hình hiện tại. Hành trình mới trên vùng đất mía năm nào đã bắt đầu…
Nhanh tay vun đất cho mấy gốc chanh không hạt chưa đầy tháng, ông Nguyễn Thành Trung, ở ấp Tân Hưng, lấy tay lau mồ hôi, nói: “Cũng được địa phương hỗ trợ cây giống hơn một tháng nay rồi, cán bộ kỹ thuật của xã, của công ty thường xuống để theo dõi, tìm hiểu, hướng dẫn cách canh tác sao cho đúng chuẩn VietGAP, mang lại năng suất cao, sạch. Nghe các anh nói 14-15 tháng mới cho trái. Sau khi quá lỗ với cây mía, giờ trồng cây mới trên đất mình, được hỗ trợ từ cây giống đến kỹ thuật thấy an lòng, hy vọng cho thu nhập khá hơn trước. Không chỉ riêng tôi, có nhiều hộ dân được hỗ trợ như vầy”.
Nhà ông Trung trước đây có hơn 30 công đất trồng mía, nhưng 2-3 năm nay, ông chỉ giữ lại khoảng 12 công trồng mía để bán cho thương lái mua về ép nước.
“Nghề mía đã gắn bó từ đời này sang đời khác ở đất Búng Tàu - Tân Phước Hưng này, từ những ngày lò ép mía, lò đường ven sông rất nhiều, đến thời các nhà máy nhỏ, rồi nhà máy đường Phụng Hiệp, Vị Thanh hay Sóc Trăng được xây dựng… bà con đã bao đời sống dựa vào cây mía, nên khi nói chuyển đổi, bỏ mía trồng cây khác, đâu ai nỡ, nên ban đầu khi thử nghiệm 20ha đầu tiên chuyển đổi từ cây mía trồng chanh không hạt, chỉ nhận được sự tham gia của 1 hộ, rồi 2 hộ… sau đó, vận động tuyên truyền mãi mới được bà con đồng ý. Tập quán canh tác đã gắn bó lâu nay như vậy rồi, nên nói chuyển đổi liền là không thể, bởi mọi người vẫn hy vọng năm sau hoặc năm sau nữa… mía sẽ tăng giá trở lại”, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Búng Tàu, nói thêm.
Theo chỉ đạo của UBND huyện Phụng Hiệp, các kế hoạch về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên vùng đất trồng mía được thực hiện. Với sự chủ động, năng nổ và cố gắng mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân địa phương, lãnh đạo và các cán bộ thị trấn đã không ngại đi vận động, tuyên truyền, cho người dân hiểu. Cuối cùng, 15 hộ dân đồng ý chuyển đổi. Vậy là 20ha đất trồng chanh không hạt được triển khai cho các thành viên trong Hợp tác xã Nông nghiệp Búng Tàu. Hơn tháng qua, cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật thị trấn bận rộn lên xuống, liên hệ trao đổi với công ty bao tiêu để hỗ trợ tốt nhất cho người dân.
Bên cạnh cây trồng, chọn vật nuôi phù hợp cũng được lãnh đạo thị trấn đặc biệt quan tâm. Mô hình nuôi ba ba của Hợp tác xã (HTX) ba ba Búng Tàu, cũng ở ấp Tân Hưng, được chọn thử nghiệm trong giai đoạn đầu này, làm điểm nhân rộng. Ông Hồ Minh Phụng, Giám đốc HTX ba ba Búng Tàu, chia sẻ: “Thành lập HTX để làm ăn bài bản, hiệu quả hơn và có cơ hội để hỗ trợ nhau tốt hơn, 17 thành viên liên kết chặt chẽ và có sự giúp đỡ để mô hình nuôi ba ba đạt chất lượng, giúp cuộc sống người dân nơi đây không còn phụ thuộc vào mỗi cây mía như trước đây”.
Ông Phụng cho biết, ông nuôi ba ba hơn chục năm nay, ban đầu chỉ 1-2 hầm, còn lại đất trồng mía, nhưng đến giai đoạn mía rớt giá liên tục, thua lỗ triền miên, ông mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi ba ba. Từ 2 hầm ban đầu, nay đã xây dựng 9 hầm, nuôi ba ba giống, xuất đi khắp nơi. Mỗi năm, chỉ riêng lợi nhuận từ con giống, gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Búng Tàu, chia sẻ thêm, đây là hai mô hình chuyển đổi được UBND huyện định hướng và thị trấn cố gắng vận động người dân thực hiện. Dự kiến đến năm 2020 có thêm 10ha trồng chanh không hạt, thêm 0,5ha nuôi ba ba được người dân chuyển đổi mới. “Chúng tôi kỳ vọng sự thành công của chuyển đổi lần này, sẽ làm cơ sở, nền tảng để định hướng cho người dân thị trấn sản xuất tốt hơn, chọn những cây con phù hợp, làm khá giàu ngay trên quê hương mình, khi cây mía đã không còn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Hưởng bày tỏ.