Tập trung phát triển mạnh nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản

Thứ tư, 03 Tháng 7 2019 17:14 (GMT+7)
Với thế mạnh là nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy hải sản, thời gian qua, Bạc Liêu đã đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao nhiều mô hình cho phát triển sản xuất. Qua đó, không ngừng nâng cao sản lượng, giá trị và từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn.

Giới thiệu mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Bạc Liêu.

PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC NUÔI TRỒNG

Với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 138.580ha, Bạc Liêu đã tập trung tái cơ cấu ngành theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, việc phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi tôm tiên tiến, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đã góp phần nâng cao giá trị và từng bước giảm các tổn thất sau thu hoạch. Đơn cử như năm 2018, giá trị sản phẩm 1ha đất nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt 195,7 triệu đồng (tăng 51,42% so với năm 2015); tỷ lệ tổn thất trong và sau thu hoạch thủy sản hiện ở mức 16% (giảm khoảng 1% so với năm 2015). Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng vùng NTTS tập trung với quy mô 135.100ha (trong đó nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh quy mô 18.900ha; tôm - lúa 33.700ha, tôm - rừng 4.700ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp 74.900ha và nuôi thủy sản khác 2.900ha). Sản phẩm chủ lực gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể; thực hiện đa dạng hóa các đối tượng nuôi gồm: tôm càng xanh, cá kèo, cá chình, cá bống tượng, nghêu, sò. Đồng thời, từ năm 2016 - 2018, đã có 3 doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản (Công ty TNHH MTV CBTSXK Thiên Phú, Công ty Cổ phần CBTSXK Âu Vững, Công ty Cổ phần Tôm miền Nam) ký kết hợp tác, liên kết với nông dân thực hiện nuôi tôm sú quảng canh cải tiến theo tiêu chuẩn ASC, Global GAP, Organic với diện tích 3.043ha và bao tiêu 1.430 tấn tôm của nông dân. Mỗi ao nuôi của hộ dân đều được gắn mã số để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi cần thiết; doanh nghiệp hỗ trợ 20 - 100% tôm giống, 100% vi sinh (EM), tư vấn kỹ thuật cho người nuôi, bao tiêu tôm thương phẩm với giá cao hơn thị trường từ 10.000 - 30.000 đồng/kg.

Phát huy kết quả này, từ nay đến năm 2020, Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể); mở rộng quy mô diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sạch (tôm - rừng, rừng - tôm); mô hình nuôi tôm sinh thái (tôm - lúa, tôm càng xanh xen lúa); đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề nuôi, đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi; xác định mô hình nuôi siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong NTTS của tỉnh; nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân; khuyến khích áp dụng quy phạm thực hành NTTS tốt, NTTS có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic) và thực hiện quản lý vùng nuôi thông qua việc cấp mã số nhận diện nhằm tạo ra các vùng nuôi có sản lượng hàng hóa lớn, có chất lượng cao và ổn định, đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc; xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc. Song song đó, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (thủy lợi, giao thông, lưới điện, chợ thủy sản đầu mối) phục vụ NTTS, nhất là các vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh và vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, đảm bảo các điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh; xúc tiến đầu tư xây dựng khu sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao (quy mô 200ha); vùng NTTS ứng dụng công nghệ cao (quy mô 15.000 - 20.000ha) gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản, với diện tích 1.000ha.

Vận chuyển thủy sản sau chuyến ra khơi tại Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: L.D

ĐẨY MẠNH ĐÁNH BẮT THỦY HẢI SẢN

Khai thác đánh bắt thủy hải sản được coi là một trong những thế mạnh kinh tế của tỉnh. Để phát huy thế mạnh này, Bạc Liêu đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế biển với mục tiêu chung là quyết tâm làm giàu từ biển.

Để hiện thực hóa mục tiêu  tái cơ cấu ngành khai thác đánh bắt thủy hải sản, từ nay đến năm 2020 Bạc Liêu sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình khai thác hải sản trong Chiến lược phát triển kinh tế biển; tuân thủ các quy định quốc tế về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, được đầu tư trang thiết bị hiện đại để có thể khai thác dài ngày trên biển và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản trên các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Thực hiện chương trình hiện đại hóa tàu cá phù hợp với từng loại nghề đảm bảo tính khả thi và hiệu quả; chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm khai thác, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu có sản lượng ổn định và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ cấu hợp lý đội tàu khai thác vùng lộng, tăng năng lực khai thác vùng khơi; hướng dẫn chuyển đổi một số nghề khai thác gần bờ sang đánh bắt xa bờ hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác; phát triển mô hình tổ, đội khai thác hải sản nhằm hỗ trợ nhau trong việc khai khác đánh bắt hải sản, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển; tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là các loại hình dịch vụ trên biển để giảm chi phí sản xuất. Thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 nguyên tắc”, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân an tâm bám biển, giữ vững an ninh trật tự vùng biển và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển. Tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; các Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây mới, nâng cấp các cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá đạt chuẩn theo quy định…

Với những giải pháp quan trọng trên, việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất, nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy hải sản hứa hẹn sẽ tạo nên những đột phá mới.

TRẦN TRUNG - (baobaclieu.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản