Giải pháp tiết giảm chi phí cho người trồng mía

Thứ sáu, 12 Tháng 7 2019 06:52 (GMT+7)
Cơ giới hóa sẽ trở thành nhân tố quyết định để tiết giảm chi phí canh tác mía. Đây là nhận định cũng là cơ sở mà tiến sĩ Võ Hồng Tú, Trường Đại học Cần Thơ, sau khi thực hiện đề tài “Nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm ngành mía đường tỉnh Hậu Giang” đưa ra giải pháp.

Nếu đưa cơ giới hóa vào khâu sản xuất và thu hoạch sẽ giảm được giá thành, nâng cao chuỗi giá trị ngành mía đường.

Nhiều năm trước đây, cây mía trở thành cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương trong tỉnh Hậu Giang như huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy, huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh. Ngành mía đường tạo việc làm, bảo đảm thu nhập cho hàng ngàn lao động, hộ nông dân; góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, thời gian qua ngành mía đường liên tục gặp những khó khăn làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của các nhà máy và người trồng mía do liên tiếp chịu sự tác động tiêu cực của thời tiết, giá cả thị trường trong nước và quốc tế.

Hầu hết các nhà máy đường đang gặp khó trong sản xuất, kinh doanh do thiếu vốn lưu động, đường tiêu thụ chậm. Giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy cũng giảm, cho nên ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người nông dân. Do đó, diện tích mía đã bị thu hẹp và xuất hiện tình trạng chuyển diện tích mía sang trồng nhiều loại cây trồng khác. Bởi vậy, cơ hội và thách thức lớn trước mắt và lâu dài đối với ngành mía đường là cạnh tranh gay gắt hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tình trạng khan hiếm và thiếu lao động trong nông nghiệp, trước hết là lao động thu hoạch mía.

Nhận định được tình hình này, chủ nhiệm đề tài tiến sĩ Võ Hồng Tú, Trường Đại học Cần Thơ, đã “Nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm ngành mía đường tỉnh Hậu Giang”. Sau nhiều tháng thu thập số liệu, chủ nhiệm đề tài đã tìm ra được nguyên nhân chính khiến cho tình hình sản xuất mía chưa được khả quan là quy mô sản xuất của nông dân đa số nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ. Điều này dẫn theo chi phí đầu tư cao, chưa mang lại hiệu quả. Thêm vào đó là sự liên kết giữa nông hộ với người thu mua còn hạn chế nên ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ sản phẩm. Qua kết quả khảo sát, thu thập số liệu, chủ nhiệm đã tìm ra được nguyên nhân chính là chi phí giống chiếm từ 22-26% trong tổng chi phí. Chi phí này cao là do người dân không áp dụng hình thức trồng lưu gốc mà phần lớn phải trồng mới.

Ngoài ra, sử dụng giống đầu vào không phù hợp, năng suất thấp nên nông dân dùng phân bón quá mức khuyến cáo dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất. Song song đó, để phát triển ổn định chuỗi giá trị ngành mía đường, tiến sĩ Võ Hồng Tú cũng đề nghị các công ty chế biến đường cần đồng hành, chia sẻ với nông dân trồng mía bằng hình thức đầu tư giống có năng suất cao và đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm giá thành và tăng thu nhập cho nông dân trồng mía. Bên cạnh đó, nông hộ cần tập trung quản lý hiệu quả nguồn lực đầu vào, đặc biệt là lượng giống để tiết giảm chi phí. “Chính vì vậy, giải pháp đặt ra khâu đầu vào chính là sự hỗ trợ của doanh nghiệp nên thống nhất đầu tư giống chất lượng, năng suất cao để người dân tiết giảm được phần chi phí này”, ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, thông tin.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ, đã từng nhận định: Trong canh tác mía, giống và phân, thuốc chiếm 40% chi phí, trong khi đó việc chi trả cho nhân công lao động lại chiếm hết 60%/tổng chi phí của người nông dân. Vì vậy, để giảm chi phí làm ra ban đầu thì người nông dân, doanh nghiệp nhất thiết phải tiết giảm được khâu nhân công lao động, thay vào đó là ứng dụng cơ giới hóa thì mới mong cải thiện được tình hình hiện nay.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Ngô Minh Long, cho hay: “Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật, phòng nông nghiệp địa phương hướng dẫn người dân trồng mía theo kiểu liếp dọc thay vì liếp ngang như trước để tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất. Ngoài ra, vận động người dân tham gia mô hình kinh tế tập thể để tiết giảm chi phí giống, phân, thuốc, tập trung thực hiện cơ giới hóa thuận lợi hơn”.

Đề xuất giải pháp khả thi cho ngành mía đường, tiến sĩ Võ Hồng Tú nêu thêm: “Dựa trên kết quả phân tích của đề tài, chúng tôi đặc biệt quan tâm sứ mệnh liên kết của 4 nhà. Đó là Nhà nước cần tiếp tục xây dựng cơ chế khuyến khích cụ thể, quy hoạch có khu vực để tập trung cho ngành đường, nhất là khâu chất lượng giống. Về phía nhà khoa học, tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao giống chữ đường cao, có khả năng lưu gốc giúp người dân hạ giá thành sản xuất… Doanh nghiệp phải học tập Thái Lan, xây dựng cơ chế chia sẻ lợi nhuận cho người dân để duy trì ổn định vùng mía nguyên liệu; hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch mía. Còn nhà nông cũng cần chủ động tìm hiểu, phối hợp với các nhà áp dụng cơ giới hóa, tăng cường xen canh để lấy ngắn nuôi dài…”.

Với những kết quả đúc kết này, hy vọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, vùng nguyên liệu mía vẫn được giữ vững. Bởi cây mía vẫn được ưu tiên trong sản xuất dựa trên địa thế và đặc thù của vùng đất phèn của tỉnh. Việc vận dụng hiệu quả cơ giới hóa, sự phối hợp đồng bộ giữa 4 nhà sẽ là một cứu cánh giúp hạ giá thành cũng như góp phần tăng tính cạnh tranh cho ngành mía đường Hậu Giang.

Bài, ảnh: TRÚC LINH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản