Dự án khởi nghiệp của anh Hiệp chỉ vọn vẹn 2.000m2 đất, thế nhưng, vốn đầu tư lên đến cả tỉ đồng. Thấy việc làm quá mạo hiểm, ai cũng lo lắng cho sự thành công của anh, nhất là gia đình. Mẹ anh Hiệp tâm sự: “Lúc đầu, Hiệp nói trồng rau sạch theo hướng hữu cơ nên phải cải tạo đất và phơi đất một năm. Sau đó, tiếp tục đầu tư nhà màng, hệ thống tưới tự động, phân tự ủ,... rất vất vả và tốn kém. Thấy vậy, gia đình phản đối và bắt phải ngưng ngay dự án.Song, với sự kiên trì, tính cần cù của Hiệp đã thuyết phục được gia đình đồng ý”.
Được sự đồng ý của gia đình, anh Hiệp bắt tay vào trồng rau sạch theo hướng hữu cơ. Theo đó, ngoài việc đầu tư bài bản với nhà màng, hệ thống tưới phun tự động, vườn rau của anh Hiệp còn bảo đảm nguyên tắc “6 không”: Thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, kích thích tăng trưởng, chất bảo quản, sử dụng giống biến đổi gen, đất ô nhiễm. Tuy chỉ mới “tập sự” làm nông nghiệp nhưng anh Hiệp đã tiên phong trong việc tự nghiên cứu ủ phân từ trứng gà, rong biển,… để cung cấp dinh dưỡng cho rau. Anh Hiệp tâm sự: “Tôi tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học phun cho rau. Thay vào đó, tôi dùng phân hữu cơ như phân gà, bò.Đặc biệt, tôi tự nghiên cứu ra phân hữu cơ từ việc ủ trùng quế, trứng, rong biển và một số chủng loại vi sinh nhằm tạo ra loại phân có đủ đạm cung cấp cho cây trồng”.
Anh Ngô An Hiệp trồng rau theo hướng hữu cơ
Với cách ủ phân hữu cơ hết sức đặc biệt này, mỗi lần bón phân, anh Hiệp phải tốn chi phí vài chục triệu đồng. Vì vậy, theo anh Hiệp, trong 3 năm đầu trồng rau hữu cơ, lợi nhuận gần như bằng không, bởi chi phí đầu tư tăng gấp đôi nhưng sản lượng chỉ bằng một nửa so với phương pháp canh tác thông thường. Anh Hiệp cho biết thêm: “Chi phí đầu tư ban đầu rất cao, nhưng về lâu dài vi sinh và nguồn đất được cải tạo tốt, từ đó chi phí cho những năm tiếp theo rất ít. Cụ thể, lúc đó chỉ cần chăm sóc sơ rau cũng đủ dinh dưỡng và phòng được bệnh.Qua đó, lợi nhuận rất cao.Một nguyên nhân khác để tôi quyết tâm làm mô hình này là hiện nay nông dân trồng rau sử dụng thuốc hóa học rất nhiều, làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Do đó, dù cực khổ, vất vả, tôi cũng quyết tâm làm cho bằng được mô hình này”.
Hiện, anh Hiệp trồng thử nghiệm được 1 năm. Sau 2 năm nữa, khi đất đã cải tạo xong, đủ dinh dưỡng thì chi phí đầu tư sẽ giảm được 30%, trong khi giá cả rau sạch bán ra cao gấp 5 lần bình thường. Khi ấy, trên 2.000m2 đất này, anh sẽ thu lợi nhuận hơn 220 triệu đồng/năm. Sau thời gian trồng thử nghiệm phương pháp hữu cơ, hơn chục loại rau, quả đều sinh trưởng và phát triển tốt, được khách hàng ưa chuộng.Sự ghi nhận của người tiêu dùng là động lực để anh Hiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích canh tác rau hữu cơ lên 8.000m2.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lạc - Trần Bá Nha cho biết: “Hiện nay, mô hình trồng rau sạch theo hướng hữu cơ của anh Hiệp được rất nhiều khách hàng yêu thích. Mô hình này rất an toàn về sức khỏe cho người tiêu dùng. Thời gian tới, dự kiến ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ mô hình này để phát triển theo hướng rau sạch cho người dân sử dụng”.
Trồng rau hữu cơ theo hướng công nghệ cao của anh Ngô An Hiệp là mô hình khởi nghiệp đầy triển vọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và mở hướng đi mới cho nông dân địa phương./.