Hiệu quả cao, nhưng thiếu giống
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, thành phố hiện có 27 hộ nuôi lươn không bùn, với tổng số 778 bể nuôi, tương đương diện tích 9.336m2; trong đó, diện tích mỗi bể nuôi từ 4 - 8m2. Phần lớn, diện tích nuôi tập trung tại huyện Củ Chi chiếm hơn 90%, phần còn lại ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12.
Từ năm 2008, tại TPHCM đã xuất hiện mô hình nuôi lươn theo phương thức mới là nuôi trong bể không bùn và sử dụng giá đỡ/vạt làm chỗ ở cho lươn thay thế ống nước hay gạch nung như trước.
Mô hình nuôi lươn không bùn cho kết quả tốt, song chưa phát triển do giống chủ yếu nhập từ Thái Lan, Campuchia chiếm 95% với giá thành cao, 5% còn lại từ các tỉnh miền Tây.
Trung tâm Khuyến nông (Sở NN-PTNT TPHCM) đánh giá, nuôi lươn không bùn trong hồ xi măng dễ quản lý và thuận lợi chăm sóc, có thể tận dụng nguồn phân bò để nuôi trùn quế làm thức ăn cho lươn. Năng suất trung bình tại các hộ nuôi lươn đạt 250kg/bể với diện tích 6m2, chi phí đầu tư mô hình nuôi nhân tạo này gần 2 tỷ đồng/1.000m2/vụ.
Tại huyện Củ Chi, UBND huyện đã cho phép xây hồ nuôi lươn tạm trên đất nông nghiệp, nhằm đáp ứng chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị.
Nhận thấy được tìm năng phát triển của mô hình nuôi lươn thương phẩm đang phát triển, năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Công nghệ xanh Bình Minh được thành lập với 9 thành viên tham gia nuôi với 464 hồ.
Ông Phạm Viết Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Công nghệ xanh Bình Minh, cho hay theo kế hoạch phát triển kinh doanh đến năm 2020, HTX sẽ tăng số lượng thêm 650 hồ nuôi với diện tích khoảng 4.000m2, nâng tổng diện tích chung lên 6.440m2.
Ngoài nuôi lươn, HTX còn sản xuất cám viên để cung cấp cho các xã viên nuôi lươn; đồng thời xúc tiến đầu tư hoàn chỉnh quy trình tuần hoàn nước cho lươn giống và hệ thống lọc nước sử dụng lại cho lươn thương phẩm.
Nhằm giảm lượng lươn giống nhập ngoại, HTX đang thử nghiệm mô hình sản xuất con giống nhân tạo, nếu thành công, dự tính đến tháng 3-2021 cung cấp khoảng 1,7 triệu con giống, loại 20 con/kg ra thị trường.
Vấn đề là tuy lươn dễ nuôi, nhưng vẫn phụ thuộc vào mùa vụ thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 11 và hiện chưa có thuốc chuyên phòng trị bệnh cho lươn.
Liên kết hướng tới xuất khẩu
Hiện chợ đầu mối Bình Điền đang cung ứng lươn thịt tiêu thụ ra thị trường các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Đông Nam bộ và TPHCM. Số lượng lươn thịt này nhập chợ chiếm đến 97% (tương đương khoảng 5.566 tấn/năm), chủ yếu từ các tỉnh Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh; phần còn lại nuôi tại TPHCM.
Cùng với đó, Việt Nam là một trong 10 nước có nhu cầu nhập khẩu lươn nhiều nhất trên thế giới. Năm 2014, giá trị nhập khẩu khoảng 1,3 triệu USD, thì năm 2018 đã chi 9,8 triệu USD để nhập khẩu từ các quốc gia Trung Quốc, Indonesia, Morocco.
Không chỉ thị trường trong nước mà nhiều nước trên thế giới cũng tiêu thụ lươn rất nhiều như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Singapore, Canada... Điều này cho thấy thị trường tiêu thụ trong nước là phân khúc không thể bỏ ngỏ và nếu ngành nuôi lươn phát triển thì còn có thể xuất khẩu.
“Với diện tích nhỏ, ngành nuôi lươn thịt tại TPHCM rất có triển vọng phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang gây bất lợi cho người nuôi heo và thị trường khan hiếm mặt hàng thực phẩm này”, ông Võ Chí Cường, đại diện Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TPHCM, chia sẻ.
Trong báo cáo nghiên cứu mới đây của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM nhận xét Việt Nam cùng với nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng sử dụng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và đầy đủ các chất sinh dưỡng.
Đặc biệt, với những người có cơ địa nhạy cảm thì thịt lươn luôn là lựa chọn hàng đầu vì chứa nhiều chất dinh dưỡng cao như vitamin A, B1, B6.
Theo các chuyên gia kinh tế, do việc nuôi lươn hiện nay phát triển còn mang tính tự phát nên việc tổ chức liên kết sản xuất và xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc rất lớn vào thương lái, giá cả không ổn định.
Sở NN-PTNT TPHCM đề nghị, để phát triển mô hình nuôi lươn không bùn, nhà nước cần nghiên cứu xử lý nguồn nước thải trong nuôi lươn theo hướng tuần hoàn hoặc tái sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Đối với các đơn vị quản lý nhà nước, cần xây dựng quy trình nuôi lươn và tập huấn cho nông dân.
Đồng thời xúc tiến nghiên cứu nhân giống để đảm bảo nguồn lươn giống, đảm bảo chất lượng, giá thành và năng suất cao. Tổ chức kết nối các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm lươn đến người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến thực phẩm, cung ứng thịt lươn cho thị trường toàn quốc.
Hỗ trợ thành lập, củng cố hoạt động của các tổ hợp tác, HTX để kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi lươn; tương lai hướng tới mô hình nuôi lươn sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Về phía người nuôi, cần tận dụng cơ hội hiện có về cơ chế, chính sách của TPHCM, từ kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ lãi vay, chứng nhận sản phẩm, xúc tiến thương mại…