Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ tiến bộ được mở rộng sản xuất trên địa bàn TP Cần Thơ.
Đầu năm 2019 đến nay, TP Cần Thơ đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP đối với sản phẩm nông sản, thủy sản cho 61 cơ sở; cấp 154 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông lâm thủy sản… Bên cạnh đó, TP Cần Thơ còn có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP.Trong đó lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với 173,7ha, rau có trên 10ha, cây ăn trái (cam, xoài, nhãn, vú sữa…) gần 230ha và trên 100ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Các mô hình này tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo ATTP… Ở tỉnh Sóc Trăng hoạt động cấp mã số (code), hình thành mô hình vườn cây ăn trái đặc sản an toàn theo VietGAP, hữu cơ đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ thị trường xuất khẩu cũng được quan tâm thực hiện. Gần 8 tháng năm 2019, địa phương tiếp tục cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu bưởi, 3 mã code vùng trồng cho xoài, 3 mã code vùng trồng cho cây nhãn và 4 mã code vùng trồng cho cây vú sữa. Bên cạnh đó xây dựng 2 Hợp tác xã đạt chứng nhận VietGAP cây bưởi và vú sữa, với khoảng 70-80ha; mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây ăn trái được thực hiện với diện tích trên 265ha, gồm các loại cây trồng, như: cam sành, cam xoàn, nhãn tiêu da bò, mãng cầu gai, xoài cát chu, bưởi da xanh, vú sữa… Để nỗ lực giải quyết khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, các địa phương trong khu vực ĐBSCL tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu…