Người dân ấp Xáng Mới chuẩn bị hoa cung ứng cho thị trường.
Ấp Xáng Mới có 79 hộ trồng hoa, thu nhập từ nghề này chiếm trên 24% thu nhập của toàn ấp. Nghề trồng hoa cũng giải quyết công ăn việc làm cho 127 lao động địa phương. Riêng vụ hoa tết năm 2018, ấp Xáng Mới cung ứng ra thị trường hơn 100.000 chậu hoa các loại, số lượng đơn đặt hàng cũng tăng theo thời gian. Nơi đây dần trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều khách hàng trong và ngoài địa phương mỗi khi muốn tìm mua các loại hoa chưng tết.
Theo một số hộ trồng hoa, nghề này đã có từ lâu đời, có người gắn bó 15-20 năm, chủ yếu bà con trồng các loại hoa cúc vạn thọ, cúc mâm xôi, ban mai, hoa păng xê… phục vụ dịp tết. Thời gian còn lại trong năm thì ươm trồng nhiều loại cây, rau màu khác để tạo thu nhập. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng hoa, cây cảnh cũng tăng lên. Từ chỗ chỉ là nghề phụ, mang tính thời vụ, vài năm trở lại đây, một số hộ gia đình bắt đầu trồng hoa rải đều các tháng trong năm để cung ứng cho thị trường trong và ngoài địa phương.
Theo ông Huỳnh Tấn Hùng, hộ trồng hoa có kinh nghiệm gần 20 năm ở ấp Xáng Mới, năm ngoái ông sản xuất 3.000 chậu hoa dịp tết, khách tới tìm mua nhiều nhưng không đủ hàng cung ứng. Điều này chứng tỏ nhu cầu về mặt hàng hoa rất cao, thậm chí nhiều thương lái ở ngoài tỉnh cũng đến đặt hàng với số lượng lớn. Khi biết định hướng phát triển ấp thành làng nghề trồng hoa, ông Hùng tỏ ra phấn khởi. Bởi đây là điều kiện thuận lợi để ông cũng như nhiều hộ dân ở đây mở rộng diện tích và số lượng, mạnh dạn đầu tư làm ra nhiều sản phẩm mới. Vài tuần nay, ông Hùng đã tìm đến nhiều cửa hàng giống hoa, cây cảnh ở thành phố Cần Thơ để chọn lựa một số loại phù hợp, nhân giống chuẩn bị sản xuất số lượng lớn. Ngoài ra, dự kiến gia đình sẽ tăng số lượng lên 4.000 chậu để đón nhu cầu thị trường.
Ông Trần Minh Luân, ở ấp Xáng Mới, chia sẻ: “Dù có kinh nghiệm 5 năm trong nghề nhưng vẫn còn nhiều điều mình chưa biết, cần học hỏi để tăng năng suất, giảm thời gian lao động mà vẫn trồng ra hoa đẹp, biết nhiều loại hoa được thị trường ưa chuộng, tìm mua mà tại địa phương hoàn toàn có thể trồng được”. Cũng theo ông Luân, khi hình thành làng hoa, xây dựng được thương hiệu, bà con sẽ có hướng phát triển bền vững với nghề, có được nhiều khách hàng biết tới, đầu ra và giá cả cũng ổn định hơn.
Nhằm trang bị cho người dân kiến thức để đa dạng sản phẩm, nâng cao tay nghề, vừa qua địa phương đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức lớp dạy nghề nông thôn chuyên về trồng, chăm sóc các loại hoa, cây cảnh. Đồng thời, tổ chức chuyến tham quan thực tế tại làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, để người dân học hỏi thêm kinh nghiệm phát triển và xây dựng làng nghề, cũng như nhu cầu của thị trường hoa cảnh trong nước.
Ông Nguyễn Tiến Mộng, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gòi, cho biết: Nhiều hộ dân ở ấp Xáng Mới có kinh nghiệm và tâm huyết với nghề nên khi UBND thị trấn đã tổ chức họp bàn về tham gia làng nghề trồng hoa, hầu hết bà con đều đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, thị trấn cũng nhận được sự quan tâm của UBND huyện và các ngành chuyên môn tỉnh. Trước mắt, các hộ trồng hoa trong ấp sẽ được hỗ trợ 90.000 chậu nhựa để sản xuất hoa vụ tết. Cán bộ kỹ thuật của địa phương cũng thường xuyên theo dõi và hỗ trợ kịp thời khi người dân có nhu cầu và gặp khó trong quá trình sản xuất các loại hoa mới.
Hiện UBND thị trấn đã trình đề nghị công nhận làng nghề và khuyến khích bà con thành lập hợp tác xã về hoa cảnh để tập hợp sản phẩm, dễ dàng tiếp cận thị trường, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân quảng bá sản phẩm, bởi đây là yếu tố quyết định đến sự phát triển của làng nghề. Ấp Xáng Mới có đường giao thông thủy, bộ thuận lợi, bờ kè dần được bê tông hóa hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến tham quan, mua bán, vận chuyển hoa. Nếu phát triển đồng bộ thì đây sẽ là điểm nhấn về cảnh quan môi trường, tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp của địa phương cũng như nhiều dịch vụ đi kèm để gia tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.