Nhu cầu tiêu dùng đang tập trung vào nhóm thực phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu nên Sở Công Thương đã lưu ý các doanh nghiệp (DN) lớn, có uy tín tăng lượng hàng cung ứng.
Cũng theo ông Kiên, nét mới năm nay là các DN chuẩn bị hàng Tết theo tín hiệu thị trường chứ không chuẩn bị số lượng lớn dẫn đến tồn kho như Tết 2018. Trước mắt với mặt hàng hoa, Sở Công Thương đã làm việc với tỉnh Đồng Tháp, Lâm Đồng để khảo sát thị trường và đặt hàng lượng tiêu thụ nhằm tránh lặp lại tình trạng hoa Tết dồn ứ, phải đổ bỏ. Với chương trình bán hàng lưu động, sở cũng đang triển khai bán những mặt hàng thiết yếu đến các KCX-KCN và ký túc xá cho công nhân lao động, sinh viên chứ không bán tràn lan.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP, thông tin thêm công tác chuẩn bị hàng Tết đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nguồn hàng dự trữ rất dồi dào nên sẽ không xảy ra tình trạng hụt hàng, sốt giá. Trường hợp thị trường xảy ra biến động, Sở Công Thương sẽ điều phối hàng từ các nơi khác về.
Cũng như mọi năm, các DN bình ổn thị trường hàng thiết yếu sẽ giảm giá sâu trong 2 ngày sát Tết, như trứng sẽ giảm 10%, rau củ quả giảm 50%, thịt heo giảm 5%... "Chương trình bình ổn thị trường của TP HCM không chỉ phục vụ người dân TP mà còn cho cả khu vực miền Trung, miền Bắc" - ông Phương nói thêm.
Một doanh nghiệp thực phẩm TP HCM đang chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Kỷ Hợi 2019
Theo kế hoạch, TP sẽ có 334 chuyến hàng lưu động đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, KCX-KCN, ký túc xá… trong tháng cao điểm trước Tết. Do Tết năm rồi xảy ra tình trạng một số DN cùng tổ chức bán hàng lưu động tại một địa điểm dẫn đến tình trạng giẫm chân nhau nên năm nay sở đã yêu cầu các DN sắp xếp lại cho hợp lý, tránh trùng lắp.
Trả lời câu hỏi của bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP, về cơ chế phối hợp kiểm soát thị trường, tránh tình trạng hút hàng hoặc thao túng giá cũng như cơ chế hỗ trợ các HTX trong sản xuất, tuyên truyền về chất lượng hàng hóa, giúp người dân giảm thói quen mua hàng trôi nổi…, đại diện Sở Công Thương cho biết các sở, ngành đã có cơ chế phối hợp kiểm soát giá cũng như tuyên truyền tiêu dùng hàng Việt. Mặc dù vậy, chương trình thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gần đây không đạt kết quả như mong muốn.
Ông Phạm Thành Kiên cho biết mọi năm, các DN chỉ được khuyến mãi, giảm giá tối đa không quá 50%. Năm nay, Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại cho phép DN được khuyến mãi giảm giá đến 70%. Sở Công Thương TP đang vận động các hệ thống siêu thị bán hàng tiêu dùng, hàng điện máy thực hiện và kéo dài các chương trình giảm giá sâu mùa Tết.