Thương hiệu nông sản chật vật trong xu hướng hội nhập

Thứ tư, 21 Tháng 8 2019 11:32 (GMT+7)
Là địa phương có lợi thế địa hình và khí hậu phù hợp để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao với nhiều loại nông sản, chăn nuôi giá trị, Cà Mau đã và đang quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu cho các nông sản thế mạnh, từng bước đưa kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Ở nhiều địa phương trong tỉnh, việc tập trung đầu tư mở rộng các vùng rau màu, cây ăn trái an toàn theo hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay nông sản hữu cơ hàng hoá đã tạo nên những thương hiệu nông sản riêng, dần đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cũng như tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Việc xây dựng thương hiệu không chỉ làm tăng giá trị nông sản về lượng và chất mà còn gắn kết trách nhiệm của từng khâu sản xuất ra sản phẩm.

Giá trị từ một thương hiệu

Ông Nguyễn Quang Nhãn, đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Cà Mau, cho biết: “Xác định giải pháp chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong thời kỳ hội nhập là đổi mới, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi, công ty đã đầu tư vào dây chuyền sản xuất thịt heo sạch và hệ thống chuồng chăn nuôi gà đẻ khép kín, tự động. Đây là một trong những dự án quy mô lớn và hiện đại bậc nhất của ngành chăn nuôi thịt heo tại Việt Nam, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu lao động trực tiếp và kiểm soát tốt chất lượng, gia tăng giá trị cho sản phẩm”.

Sản phẩm chuối già Nam Mỹ hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ.

Dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các chuyên gia nước ngoài, nhiều nông dân trở thành những “nông dân công nghiệp”, có thể vận hành các trang thiết bị hiện đại nhập khẩu từ nước ngoài và yên tâm làm việc tại công ty với mức lương bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Anh Ngô Phương Danh, người có thâm niên 3 năm làm Quản lý kỹ thuật cho sản phẩm chuối già Nam Mỹ tại Công ty TNHH XNK SXCB Gỗ Cà Mau, chia sẻ: “Từ khi được nhận vào làm việc tại công ty, tôi được tiếp cận với cung cách làm việc khoa học, an toàn. Việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất cũng như làm việc trong môi trường sạch sẽ khiến chúng tôi nâng cao ý thức trong sản xuất, từ đó mang lại nhiều giá trị, lợi ích hơn cho doanh nghiệp, địa phương cũng như chính bản thân mình”. Cảm nhận thực tiễn ở công ty cho thấy, khi doanh nghiệp hướng về nhà nông không chỉ mở ra nhiều triển vọng phát triển cho doanh nghiệp mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho nông dân địa phương.

Những thành công bước đầu trong xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như chuối già Nam Mỹ (Khánh Thuận), bồn bồn (Cái Nước), dưa hấu VietGAP... đã chứng minh sản phẩm đạt chất lượng cao sẽ khẳng định được vị thế trên thị trường.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, thực tế việc tiêu thụ nông sản nói chung và nông sản thực phẩm sạch, có thương hiệu nói riêng vẫn còn rất khó khăn. Nghịch lý hơn, dù rất mong muốn có sản phẩm tốt, an toàn, song phần lớn người tiêu dùng dường như vẫn còn xa lạ với các nhãn hiệu nông sản an toàn. Nguyên nhân là do giá cao, số lượng lại hạn chế, việc nhận diện thương hiệu sản phẩm còn nhiều bất cập… Ở nhiều nơi sản xuất, người dân chưa quen với việc xin cấp giấy chứng nhận chất lượng cho nông sản thực phẩm và quy trình sơ chế, bao gói, dán tem nhãn.

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Theo anh Mạc Ngọc Truyền, Giám đốc HTX Lý Văn Lâm, đất đai màu mỡ rất thuận lợi cho dưa hấu sinh trưởng và phát triển. Với hơn 8 hộ trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX, sau 4-5 tháng gieo hạt và chăm sóc, khi thu hoạch năng suất bình quân đạt 40 tấn/ha, tuy nhiên theo cách truyền thống giá trị sản phẩm không ổn định và giá thành thấp.

Dưa hấu là loại cây trồng khá phổ biến, nhưng câu chuyện được mùa, mất giá, hay nông dân bị thương lái ép giá ngay cả khi mất mùa đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều vụ và cuối cùng thì nông dân vẫn là người chịu thiệt. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân sản xuất mang tính tự phát, thiếu tính liên kết dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều. Tất cả điều đó cần sự vào cuộc từ 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau Trần Hoàng Nhỏ cho rằng: “Cà Mau đang có nhiều loại rau, củ, quả và các loại thuỷ sản được thị trường ưa chuộng nhưng chưa xây dựng thương hiệu dẫn đến đầu ra còn bấp bênh. Thời gian tới, các cấp hội sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để hội viên, nông dân hiểu được vai trò quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu; Nâng cao kiến thức của nông dân về nông nghiệp, nông thôn, quy trình canh tác, chọn giống, bảo quản, tiếp thị sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, phối hợp mở rộng hệ thống cửa hàng trưng bày, giới thiệu nông sản an toàn tại các địa phương, đưa vào hoạt động website của Hội nông dân tỉnh, ưu tiên cho phần quảng bá thương hiệu và hướng dẫn cách đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho nông sản”.

Việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế. Từ các chương trình này, các doanh nghiệp có cơ hội kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, quy mô sản xuất, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng nông thôn, đưa kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững cùng với công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh và đất nước./.

Trương Việt Mỹ - (baocamau.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Hàng tiêu dùng - Đồ gia dụng