Ngày 26-2, tại TP Cao Lãnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị "Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL". Mục đích của hội nghị nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phát triển thị trường đối với ngành lúa gạo trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường.
Hàng loạt giải pháp cấp bách
Mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thông tin vụ lúa đông xuân năm nay, toàn vùng ĐBSCL xuống giống gần 1,6 triệu ha lúa với năng suất bình quân đạt 6,9 tấn/ha. Tổng sản lượng ước đạt gần 11,5 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo có xu hướng giảm. Cụ thể trong tháng 1-2019, tổng sản lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt gần 8.300 tấn với giá trị 3,893 tỉ USD, giảm hơn 105.000 tấn so với cùng kỳ. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là gạo Việt Nam chưa có thương hiệu quốc gia, cạnh tranh gay gắt với các nhà xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ và một số nước mới nổi như Campuchia, Myanmar hay Pakistan với những loại gạo đạt chất lượng vượt trội... Ngoài ra, các nước châu Phi (chiếm 1/3 sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam) cũng đang quyết liệt triển khai các chương trình bảo đảm tự cung tự cấp. Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trước mắt giao Bộ Tài chính thu mua 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 để giúp "giải cứu" lượng lúa gạo vùng ĐBSCL đang rớt giá liên tục vì tồn dư.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), cho rằng mặt hàng gạo luôn có ảnh hưởng rất lớn đến người trồng lúa và xã hội nên cần tham gia kiểm soát của các bộ, ngành. "Nhiệm vụ của chúng tôi là thu mua 178.000 tấn lúa tại một số tỉnh trong khu vực và dự kiến sẽ mua hết 500.000 tấn vì đã có đơn đặt hàng. Sản lượng lúa trong dân còn rất lớn nên chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp (DN) khác cùng chung tay thu mua vì nếu chỉ có Vinafood 1 và Vinafood 2 (Tổng Công ty Lương thực miền Nam) thì sẽ không thể kham nổi. Nếu được các ngân hàng nới lỏng hạn mức cho vay thì chúng tôi cam kết mở kho thu mua lúa cả ngày lẫn đêm. Thật ra đây là thời điểm thuận lợi nhất về giá cả, thị trường nhưng vấn đề còn lại cũng vì thiếu tiền" - bà Tâm khẳng định.
Nghe đến đây, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định sẽ họp với tất cả tổ chức tín dụng liên quan đến lúa gạo ĐBSCL theo hướng giảm giá trần lãi suất ngắn hạn cho các DN từ mức 6% còn 5,5%/năm. Đồng thời, giao các ngân hàng thương mại trực thuộc đến trao đổi trực tiếp với các DN để tìm giải pháp tháo gỡ những vấn đề phát sinh theo hướng đơn giản hóa thủ tục. Ngoài ra, các ngân hàng nghiên cứu cho vay ngoại tệ ngắn hạn nhằm giúp các DN giảm bớt chi phí xuất khẩu.
ĐBSCL là vựa lúa của cả nước nhưng lại có rất ít doanh nghiệp chịu ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân nên luôn bị động trong khâu tiêu thụ
Muốn thắng thì phải "bắt tay"
Ngoài những biện pháp trước mắt trên, để hạt gạo Việt Nam phát triển ổn định, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết bộ này đang tiếp tục triển khai xúc tiến thương mại để giữ các thị trường xuất khẩu gạo quan trọng, kể cả việc mở rộng thị trường châu Phi và Mexico.
"Kể từ năm 2018 đến nay, việc xuất khẩu gạo cũng đã được tự do hóa nên bất cứ DN nào cũng có thể tham gia nhưng phải thực hiện việc báo cáo tình hình để Bộ Công Thương phục vụ điều hành chung" - ông Khánh nói.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định thời gian tới, bộ sẽ đề xuất các địa phương cắt giảm khoảng 500.000 ha trồng lúa và chuyển sang trồng các loại nông sản khác để giúp chủ động thị trường tốt hơn. Thực hiện tái cơ cấu đồng bộ với linh hồn là liên kết vì đáp ứng được chất lượng đầu vào và cả đầu ra. Ông cho biết Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ làm đại diện cho các DN thành viên và là cầu nối cho Chính phủ. Về lâu dài, các DN cũng nên quan tâm thị trường nội địa với trên 95 triệu dân.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh cùng cho rằng ĐBSCL là vựa lúa của cả nước nhưng lại có rất ít DN chịu ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân nên luôn bị động trong khâu tiêu thụ mỗi khi giá lúa lên xuống bất thường. Do đó, nhất thiết phải có chính sách hỗ trợ cho nông dân được mua bán trực tiếp với DN chứ không nên thông qua tư thương, rất dễ ép giá.
Góp ý cho hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhấn mạnh để không còn cảnh nông dân ngồi chờ được "giải cứu" lúa thì không thể tiếp tục sản xuất cá thể theo kiểu mạnh ai nấy làm mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện. "Có như vậy, nông dân vừa thu về được lợi nhuận từ sản xuất và chuỗi giá trị gia tăng, vừa giảm được chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản" - ông Hoan nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), đề xuất các địa phương cũng cần nhân rộng mô hình cánh đồng lớn đang được nhiều DN triển khai. Bởi khi nông dân tham gia sẽ rất thuận lợi vì đã có DN đứng ra lo từ khâu đầu vào (giống lúa, vật tư nông nghiệp) cho đến khâu tiêu thụ với giá theo hợp đồng đã ký.
Ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho biết mô hình cánh đồng lớn do ông cùng một số doanh nghiệp khác đang triển khai là lời giải cho bài toán khó về “được mùa - mất giá” của nông dân.