Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đề xuất xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo với tư duy “cả hai cùng thắng”
Chênh vênh sản xuất lúa gạo
Vụ đông xuân được xem là vụ ăn chắc của bà con trồng lúa. Tuy nhiên, vụ đông xuân 2018-2019 giá lúa lại giảm sâu, doanh nghiệp không thu mua khiến nông dân lao đao. Theo phân tích của ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nguyên nhân dẫn đến thực trạng này có phần chủ quan lẫn khách quan.
Theo đó, mùa lũ năm 2018 đến sớm và kéo dài với lượng phù sa về nhiều nên lúa vụ đông xuân phát triển tốt, với sản lượng 7-8 tấn/ha. Tuy nhiên sau Tết, do tác động của hiện tượng Elnino khiến thời tiết khô hạn, độ ẩm khoảng 30-40% làm lúa chín sớm hơn 7-10 ngày so với thông thường. Trong khi đó, thời điểm này, thị trường Trung Quốc, Philippines chưa triển khai thu mua gạo, số lượng các đơn hàng gối đầu của các doanh nghiệp trong năm 2018 còn lại không nhiều, dẫn tới tình trạng lúa giảm giá trong thời gian qua.
Trước tình hình giá lúa giảm sâu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ nên giá lúa tăng nhẹ nhưng vẫn còn thấp so với năm 2018. Tại Đồng Tháp, sau thời điểm chỉ đạo thu mua tạm trữ của Chính phủ, giá lúa một số nơi vẫn ở mức 4.350 - 4.650 đồng/kg đối với giống lúa IR50404, lúa OM6976 dao động từ 4.550 - 4.500 đồng/kg, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương giảm 1.000 đồng/kg). Với mức giá này, nông dân từ hòa vốn đến lỗ.
Trong khuôn khổ hội nghị “Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại Đồng Tháp vừa qua, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách khơi thông nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua tạm trữ cho người nông dân. Đáp lại những kiến nghị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Lê Minh Hưng cho biết: “Ngân hàng Nhà nước cam kết phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết nguồn vốn kịp thời cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ. Theo đó, các ngân hàng thương mại cũng tuân thủ lãi suất trần 6%/năm”.
Theo nhiều chuyên gia, nguồn vốn chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, để phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, Chính phủ cần có giải pháp, chính sách để xác lập chiến lược dài hạn hơn cho chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Trong đó, ngoài chú trọng giảm sản lượng thì doanh nghiệp và nông dân cần tiến tới tư duy “cả hai cùng thắng”.
Tư duy “cả hai cùng thắng”
Theo ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới có nhiều sự thay đổi. Các nước nhập khẩu đang tiến tới tự chủ về lượng gạo hoặc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu không phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Chính vì vậy, trong tương lai các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống gạo của Việt Nam sẽ giảm sản lượng nhập khẩu.
Để giải quyết căn cơ cho bài toán xuất khẩu, ông Khánh đề xuất 2 vấn đề chính, đó là giảm sản lượng và chính quy hóa nguồn gốc sản phẩm. Về sản lượng, nên giảm sản lượng xuất khẩu ở mức 5 triệu tấn/năm, còn nếu bật lên ngưỡng từ 6 - 6,1 triệu tấn gạo như năm ngoái thì tình hình tiêu thụ sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, việc chính quy hóa nguồn gốc sản phẩm được xem là điều kiện quan trọng nhất để đưa hạt gạo Việt vươn xa trên thị trường thế giới, đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại. Những năm qua có một số doanh nghiệp xuất khẩu chạy theo số lượng mà thiếu kiểm soát chất lượng nên bị mất tư cách xuất khẩu.
Đại diện doanh nghiệp Trung An (Cần Thơ) cho rằng, chính quy hóa nguồn gốc sản phẩm hay phát triển bền vững bằng chuỗi liên kết không có con đường nào nhanh bằng việc thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Thời gian qua, có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhưng trở ngại lớn nhất chính là thiếu vốn. Do đó, để giải quyết bài toán này, Chính phủ cần khai thông nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết ngay từ đầu để đơn vị có hướng liên kết bền vững chứ không phải để đến lúc tình hình xuất khẩu khó khăn mới hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ.
Đồng tình với ý kiến giảm sản lượng lúa, tăng chất lượng để xuất khẩu bền vững, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, với quy mô sản xuất lúa hiện nay, mỗi năm sản lượng cung ứng cho thị trường dư thừa, buộc phải tìm đầu ra cho nông sản thông qua việc xuất khẩu gạo, tương đương hơn 10 triệu tấn lúa. Về lâu dài các Bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu tham mưu chuyển đổi diện tích sản xuất lúa tương ứng sang các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúa, gạo và mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, để không còn câu chuyện giải cứu cho nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng, việc xây dựng một chiến lược dài hạn cho ngành hàng này là điều cần thiết. Trong đó, cả hai đối tượng nông dân và doanh nghiệp cùng bỏ qua tư duy mùa vụ và tư duy thương vụ, tiến tới tư duy “cả hai cùng thắng”. “Chuỗi ngành hàng phải được hình thành dựa trên niềm tin của từng đối tác tham gia. Niềm tin chỉ có được khi thông tin thị trường đầy đủ, minh bạch, không bị méo mó vì những lý do lợi ích cục bộ. Vai trò “dẫn dắt thị trường” của doanh nghiệp là điều kiện cần. Và điều kiện đủ là khi người sản xuất phải được chia sẻ đầy đủ thông tin đó. Nhân dịp này, tôi đề nghị các doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, nhất là 2 đơn vị chủ lực là Vinafood 1 và Vinafood 2 cùng ngồi lại với các địa phương có diện tích sản xuất lúa trọng điểm trong vùng để cùng hoạch định tầm nhìn chiến lược dài hạn” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan chia sẻ.
Định hướng giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, trước mắt, các đơn vị tham gia chuỗi giá trị lúa gạo từ nay đến cuối năm cần có sự vào cuộc quyết liệt, nhất là vai trò của Tổng công ty lương thực Miền Nam đẩy mạnh thu mua, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, thể hiện trách nhiệm với người dân. Về lâu dài, Bộ sẽ chủ động đề xuất giảm khoảng 500.000ha diện tích trồng lúa ở những vùng đất khó, kém hiệu quả, đồng thời thực hiện tái cơ cấu đồng bộ ngành hàng lúa gạo. Trong đó, khâu sản xuất phải gắn chặt với liên kết; đẩy mạnh khâu chế biến các phụ phẩm từ hạt gạo; tổ chức đa dạng thị trường.