Hàng hóa dồi dào, người dân không cần mua tích trữ

Thứ hai, 06 Tháng 4 2020 07:25 (GMT+7)
Những ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly toàn xã hội, tại một số siêu thị trên địa bàn tỉnh An Giang, như: Mega, Tứ Sơn, Vinmart, Co.opmart... không khí mua sắm diễn ra bình thường.
Hàng hóa dồi dào
 
Tại các siêu thị luôn đầy ắp hàng hóa, gạo bao 50kg, 5-10kg chất đầy; mì gói đóng kiện để tràn cả lối đi, quầy rau xanh được bổ sung liên tục, thực phẩm tươi sống như: thịt heo, thịt bò, các loại cá biển, cá nước ngọt... cũng được bày bán nhiều hơn so với mọi khi. Các quầy, kệ luôn đầy đủ các chủng loại, không để tình trạng "cháy kệ, rỗng hàng".
Đa dạng, phong phú hàng hóa dồi dào ở các siêu thị phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân
 
Qua các phương tiện truyền thông và nắm rõ thị trường nên hầu hết người dân biết được nguồn hàng thiết yếu tại hệ thống chợ truyền thống, siêu thị luôn dồi dào. Vì thế, người dân không còn hoang mang lo lắng như trước.
 
Tâm lý những người dân đến siêu thị mua sắm những ngày đầu tháng 4 rất bình thản, mua vừa đủ dùng. Một số khách hàng mua nhiều hơn chút để dự trữ sử dụng 2-3 ngày vì hạn chế ra đường, không phải mua tích trữ trong 2 tuần cách ly.
 
Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn chia sẻ: "Siêu thị chuẩn bị lượng hàng hóa trị giá hơn 12 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu mua sắm cho nhân dân các huyện vùng biên giới và các tỉnh giáp ranh. Hơn 1 tuần nay, lượng bán hàng của siêu thị tăng cao do nhu cầu khách hàng mua nhiều hơn để hạn chế đi lại, không có hiện tượng mua tích trữ. Đây là điều đáng hoan nghênh, góp phần ổn định thị trường, an ninh trật tự nơi biên giới".
 
Tại TP. Long Xuyên, Giám đốc Siêu thị Vinmart An Giang Đinh Ngọc Lộc cho biết: "Từ tháng 2, VinMart đã tăng cường sản lượng hàng hóa 40-50%. Gần đây, nhu cầu mua sắm của người dân tỉnh nhà tăng cao nên siêu thị chuẩn bị đầy đủ hàng hóa và sẵn sàng cung ứng cho người dân. Người dân không cần mua sắm, tích trữ quá nhiều, tập trung đông người".
 
Bình ổn thị trường
 
Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi cho biết: "Trước những diễn biến của dịch bệnh Covid-19, hệ thống bán lẻ dự trữ hàng hóa tăng 30-40%. Nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở Công thương phối hợp các sở, ngành và doanh nghiệp (DN) xây dựng chương trình bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm 2020.
 
Có 22 DN đăng ký 76 điểm bán hàng bình ổn được bố trí rộng khắp toàn tỉnh với sản phẩm thiết yếu, như: gạo, mì, đường, sữa, dầu ăn, trứng gia cầm, thực phẩm tươi, thực phẩm công nghệ, nước rửa tay... (trong đó có 7 siêu thị, 47 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 20 cửa hàng Vinmart+ và 2 cửa hàng chuyên kinh doanh gạo).
 
Ngoài ra, còn có trên 300 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, gas tham gia bình ổn thị trường. Tổng số tiền dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn cả năm gần 5.000 tỷ đồng (tăng 6,5% so doanh số bán hàng của năm 2019).
Đa dạng, phong phú hàng hóa dồi dào ở các siêu thị phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân
 
An Giang còn có mạng lưới 203 chợ dày đặc toàn tỉnh. Qua đợt biến động nhu cầu gia tăng hàng hóa do dịch bệnh đầu tháng 3, các tiểu thương dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu tăng 10-15% so với ngày thường, riêng siêu thị tăng cường dự trữ từ 30-60% lượng hàng hóa thiết yếu.
 
An Giang còn là vựa lúa của ĐBSCL, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm: "Tổng sản lượng cả vụ đạt 1,680 triệu tấn, gồm 1,355 triệu tấn lúa và 325.000 tấn lúa nếp". Và theo các DN kinh doanh xuất khẩu gạo, vụ thu hoạch đông xuân DN chưa xuất khẩu hết nên còn dư thừa lúa, gạo cung cấp nội địa. Một số nông dân có điều kiện còn dự trữ và vụ mùa tới 2 tháng nữa là có lúa, nên người dân không lo thiếu lúa, gạo.
Bán hàng “online”, giao hàng tận nơi
 
Chính vì nguồn hàng hóa dồi dào nên An Giang không cần tổ chức các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến... mà chuyển sang bán hàng hình thức hiện đại: "Mua sắm online, không lo dịch bệnh". Đó là khẩu hiệu của Sở Công thương vận động DN khai thác lợi ích của mạng xã hội để bán hàng online, qua điện thoại và giao hàng tận nhà trong bối cảnh dịch bệnh, người dân hạn chế đến chỗ đông người, qua đó có 27 đơn vị tham gia.
Dịch vụ "Đi chợ hộ" của Vinmart An Giang
 
Hưởng ứng theo thời cuộc, các DN tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online. Kết quả ghi nhận, lượng bán hàng online của các DN đã tăng gấp 3-6 lần so với trước đây. Qua đó bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp các điểm bán hàng thực hiện phương án giảm mật độ người dân đến mua sắm để phòng, chống dịch bệnh.
 
Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn chia sẻ: "Siêu thị Tứ Sơn thực hiện bán hàng qua điện thoại trực tiếp, mạng xã hội zalo, facebook và giao hàng tận nơi miễn phí, đáp ứng nhu cầu nên khách mua hàng hóa không cần phải đến siêu thị. Từ 16 nhân viên giao hàng ban đầu nay tăng lên 50 người, mỗi ngày nhận hơn 100 đơn hàng đi giao...".
 
Theo Giám đốc Siêu thị Vinmart An Giang Đinh Ngọc Lộc: "Chương trình “Đi chợ hộ” được khách hàng đón nhận. Chỉ cần gọi hotline: 03.444.03.123 hoặc tương tác zalo, viber sẽ có nhân viên phục vụ giao hàng miễn phí đến tận nhà trong bán kính 5km, chỉ với hóa đơn mua sắm từ 200.000 đồng trở lên, giúp người dân mua sắm an toàn, tiện lợi và tiết kiệm".
 
Tại Siêu thị Co.opmart Long Xuyên, lượng khách mua hàng online cũng tăng mạnh. Siêu thị Co.opmart đang tiếp tục triển khai các gói dịch vụ hỗ trợ tối đa cho người tiêu dùng mua sắm online, với rất nhiều mặt hàng, đảm bảo chất lượng, giá cả bình ổn.
 
Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Minh Hùng khẳng định, nguồn dự trữ hàng hóa vẫn dồi dào, đảm bảo nguồn cung, người dân không nên hoang mang lo lắng, mua thực phẩm tích trữ trong thời điểm hiện nay; hãy bình tĩnh, hạn chế đến nơi đông người, chỉ mua thực phẩm đủ dùng trong ngày hoặc 1-2 ngày.
HẠNH CHÂU - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm