Sản phẩm OCOP hướng đến “xuất khẩu tại chỗ”

Thứ ba, 14 Tháng 4 2020 10:25 (GMT+7)
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), tỉnh hiện có 37 sản phẩm OCOP được trao chứng nhận vào đầu năm 2020 và có hiệu lực đến 3 năm. Trong đó, nhiều sản phẩm nông sản được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao như bưởi da xanh, một số loại nấm, rau củ, các sản phẩm được chế biến từ dừa... Đây là những sản phẩm được truy xuất nguồn gốc từ các vùng nuôi, trồng có chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP.
Dừa uống nước thương hiệu Coco smile trưng bày trong Hội chợ sản phẩm OCOP Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh.
Dừa uống nước thương hiệu Coco smile trưng bày trong Hội chợ sản phẩm OCOP Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh.
 
Tiềm năng phát triển
 
Theo kết quả thống kê sơ bộ, tỉnh có 265 sản phẩm tiềm năng chia thành 6 nhóm chính: thực phẩm, đồ uống, đồ lưu niệm - trang trí - nội thất, thảo dược, mỹ phẩm, chế phẩm thảo mộc, du lịch và dịch vụ nông thôn. Thực phẩm là nhóm nhiều sản phẩm nhất, với 174 sản phẩm gồm trái cây (bưởi da xanh, sầu riêng, dừa xiêm xanh, chôm chôm...), bánh, mứt, kẹo, thịt, các sản phẩm chế biến từ nông sản, thủy sản...
 
Kết quả khảo sát một số sản phẩm tiêu biểu tại 9 huyện, thành phố cho thấy, trên địa bàn các huyện, thành phố đều có những sản phẩm, dịch vụ tiềm năng, thế mạnh riêng. Mặc dù phần lớn các sản phẩm dịch vụ còn nhiều hạn chế, nhưng có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển thành các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh.
 
TP. Bến Tre có nhiều sản phẩm, dịch vụ, trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, du lịch có chất lượng cao. Nổi bật là các sản phẩm dịch vụ đã có thương hiệu, như: bưởi da xanh, bánh mứt, kẹo, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa, các sản phẩm chế biến cao cấp từ dừa như mỹ phẩm (mặt nạ dừa, son dừa...). Châu Thành là huyện cửa ngõ của tỉnh, với cảnh quan cồn, bãi và sông rạch chằng chịt, có nhiều lợi thế phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản nước ngọt và phát triển kinh tế vườn kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Hiện nay, huyện có nhiều sản phẩm có tiềm năng phát triển, như: dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, các loại thực phẩm chế biến từ dừa (dừa sấy giòn, bột dừa, bơ dừa, nước màu dừa), kẹo chuối, mứt trái cây…
 
Huyện Mỏ Cày Nam có điều kiện tự nhiên ưu đãi về sản xuất nông nghiệp, trong đó thế mạnh là các ngành chăn nuôi. Hiện huyện có 5 nhóm sản phẩm đặc trưng chính trong nhóm thực phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, trang trí, thảo dược. Nhóm sản phẩm nông nghiệp cũng khá đa dạng, với các loại cây ăn trái, nấm bào ngư, nấm linh chi, sản phẩm chăn nuôi, như: gà, heo, thủy sản có tôm càng xanh, các sản phẩm tiện lợi chế biến từ cây trái.
 
Thạnh Phú có 3 nhóm sản phẩm đặc trưng chính: thực phẩm, đồ thủ công và dịch vụ du lịch. Nhóm thực phẩm khá đa dạng với các sản phẩm như dừa, lúa (mô hình lúa - tôm), rau sâm biển, thủy sản (tôm, cá); các thực phẩm thô sơ chế, như tôm khô, cá khô, thịt bò và các sản phẩm chế biến như bánh dừa, cơm dừa, nước màu dừa, mắm ba khía.
 
Sản phẩm đạt chuẩn GAP
 
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Huỳnh Quang Đức, ưu điểm khác biệt của sản phẩm OCOP là có thể phục vụ tốt du khách nước ngoài đến tham quan và mua sắm tại địa phương, hay có thể gọi cách khác là “xuất khẩu tại chỗ”. Một trong những điều kiện cơ bản đầu tiên để sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP là có truy xuất nguồn gốc an toàn, sản phẩm tại vùng nuôi, trồng đạt chứng nhận GAP.
 
Ngành nông nghiệp đang tiếp tục hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc quy trình sản xuất hữu cơ. Từ năm 2019 - 2020, HTX bưởi da xanh Quới Sơn, huyện Châu Thành được sự quan tâm của Liên minh HTX tỉnh, dự án Tây Nam Bộ (do Viện Cây ăn quả miền Nam làm chủ dự án) tài trợ xây dựng chuỗi giá trị trên cây bưởi, mở các lớp tập huấn VietGAP. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh.
 
Hiện nay, trái bưởi da xanh của tỉnh đang được các đối tác lớn, như: hệ thống siêu thị Lotte, hệ thống siêu thị BigC, hệ thống siêu thị Saigon Coop… thu mua để cung ứng cho người tiêu dùng. Không dừng lại ở thị trường nội địa, trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hứa hẹn sẽ đưa trái bưởi da xanh Bến Tre và các sản phẩm chế biến từ bưởi của mình “xuất ngoại” sang Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nga...
 
Theo Đề án OCOP Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030, trong giai đoạn 2019 - 2020 tỉnh sẽ tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm từ tỉnh đến xã với 100% số xã có sản phẩm tham gia chương trình. Tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% xã sản phẩm truyền thống, chủ lực, đặc trưng và có tiềm năng phát triển sản xuất quy mô trung bình và lớn của tỉnh. Tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
 
Đến năm 2020, toàn tỉnh có từ 20 - 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Giai đoạn 2021 - 2030, có ít nhất 250 sản phẩm, dịch vụ OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên (đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu).
Bài, ảnh: Cẩm Trúc - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm