Bốc xếp gạo xuất khẩu của Công ty cổ phần Lương thực TP Hồ Chí Minh (Foodcosa) tại cảng Sài Gòn. Ảnh: ÐÌNH HUỆ
Doanh nghiệp gặp khó khăn, địa phương nóng lòng
Tại tỉnh Tiền Giang, trong đợt đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo tháng 4 vừa qua, chỉ có một doanh nghiệp khai báo được với sản lượng thấp. Là lãnh đạo một trong những doanh nghiệp không thực hiện được khai báo hải quan, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng Nguyễn Văn Ðôn lo lắng: Hiện công ty còn 25 công-ten-nơ gạo thơm đang tồn ở cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) từ ngày 23-3. Nếu tiếp tục không xuất khẩu được, công ty phải gánh tổn thất nặng nề vì chịu quá nhiều chi phí. Ngoài ra còn phải trả lãi vay ngân hàng, chưa kể việc ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp với đối tác nước ngoài.
Công ty TNHH Phước Thành II (tỉnh Long An) cũng là doanh nghiệp bị tồn quá nhiều hàng tại cảng. Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Tuấn Khoa cho biết: Tổng sản lượng ký kết hợp đồng giao gạo kéo dài đến tháng 6-2020 của công ty là 5.000 tấn. Từ ngày 24-3 đến nay, công ty đã chuyển 45 công-ten-nơ đến cảng Cát Lái, với tổng sản lượng 1.037 tấn, nhưng hiện vẫn đang ách tắc. Ngoài ra, công ty tồn kho 7.500 tấn gạo chất lượng cao đã thu mua từ đầu vụ đông xuân 2020 đến nay. Trong khi đó, Công ty Lương thực Long An cũng còn 280 công-ten-nơ đang nằm tại cảng Cát Lái. Ðối với mặt hàng gạo nếp thì lại càng khó khăn hơn vì trong đợt cho xuất khẩu vừa qua, mặt hàng này không có tên trong danh sách được xuất khẩu. Công ty TNHH Dương Vũ (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) tồn kho 30 nghìn tấn gạo nếp thương phẩm và khoảng 13 nghìn tấn đã đóng công-ten-nơ đang nằm tại cảng Cát Lái với trị giá khoảng 400 tỷ đồng. Giám đốc Công ty Nguyễn Quang Hòa sốt ruột: Nếu gạo nếp tiếp tục không được xuất khẩu thì công ty sẽ đi vào con đường phá sản vì không thu được tiền hàng mà còn phải bồi thường hợp đồng cho đối tác.
Tại TP Cần Thơ, theo Sở Công thương thành phố, hiện lượng hàng hóa lưu tại kho của 41 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn ước đạt 85.952 tấn lúa và 359.411 tấn gạo. Hợp đồng ký kết phải giao ước khoảng 216.776 tấn gạo, trong đó số lượng đã được chuyển đến cảng khoảng 25.965 tấn.
Trước thực tế nêu trên, tất cả các doanh nghiệp đều kiến nghị hỗ trợ ưu tiên xuất khẩu cho những lô hàng đang tồn ở cảng. Mặt khác, đến tháng 5-2020, khi đã có nguồn cung vụ lúa mới, kiến nghị Chính phủ xem xét dỡ bỏ hạn ngạch xuất khẩu để bảo đảm thu mua lúa cho nông dân và tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi mức giá đang cao.
Trong khi các doanh nghiệp gặp khó khăn vì không xuất khẩu được gạo thì địa phương cũng hết sức nóng lòng. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An Lê Minh Ðức cho biết: Long An là tỉnh sản xuất lúa gạo đứng thứ ba toàn quốc và sản xuất lúa nếp đứng đầu cả nước. Hiện, lượng gạo tồn kho thực tế tại các doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 352.322 tấn. Trong tháng 4 vừa qua, tỉnh chỉ có bảy trong số 24 doanh nghiệp kịp làm tờ khai hải quan với sản lượng xuất khẩu khoảng 8.500 tấn; tồn kho hơn 343.800 tấn, nếu cộng với cả 56 nghìn tấn gạo nếp thương phẩm thì số lượng tồn kho gần 400 nghìn tấn.
Ðối với tỉnh An Giang, cũng chỉ có bốn trong số 16 doanh nghiệp đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu gạo tháng 4 với tổng sản lượng 3.810 tấn. Sau khi trừ sản lượng đã đăng ký tờ khai đến ngày 15-4, thì sản lượng gạo có hợp đồng giao hàng trong quý II-2020 của các doanh nghiệp chưa được xuất khẩu vẫn còn khoảng 99.284 tấn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết: Năm 2020, toàn tỉnh An Giang sản xuất đạt khoảng bốn triệu tấn lúa, tương đương khoảng hai triệu tấn gạo. Ngoài ra, hằng năm, tỉnh trồng 115 nghìn ha lúa nếp và khoảng 10 nghìn ha lúa Japonica (hạt tròn). Hai mặt hàng này không tiêu thụ trong nước mà chủ yếu xuất khẩu cho nên việc tạm dừng xuất khẩu khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, dễ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp đã được thực hiện trong thời gian qua.
Mở rộng hạn ngạch xuất khẩu
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy mạnh thu mua lúa gạo cho nông dân, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An Lê Minh Ðức đề xuất: Với lượng gạo tồn kho hiện nay, tỉnh đã đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại việc phân bổ hạn ngạch xuất khẩu một cách hợp lý để giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Trong khi đó, UBND tỉnh An Giang cũng đã kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép 90.727 tấn gạo (gồm cả gạo nếp) của doanh nghiệp trong tỉnh đã có hợp đồng xuất khẩu đến tháng 5-2020 được tham gia hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 5-2020 của cả nước. Ðồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu gạo nhưng không thực hiện được... Riêng về mặt hàng gạo nếp, các tỉnh có sản lượng lớn như Long An, An Giang đều có kiến nghị cho xuất khẩu lại và không hạn chế số lượng. Như phân tích của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình: Tỉnh kiến nghị không đưa mặt hàng gạo nếp và gạo Japonica (hạt tròn) vào nhóm mặt hàng hạn chế xuất khẩu do mục tiêu sản xuất hai loại sản phẩm này chủ yếu để xuất khẩu và hai mặt hàng này cũng không thuộc diện huy động vào dự trữ quốc gia.
Bên cạnh kiến nghị của doanh nghiệp và địa phương về việc tạo điều kiện cho xuất khẩu hết số lượng gạo đang tồn tại các cảng và có kế hoạch nới rộng hạn ngạch xuất khẩu gạo những tháng tiếp theo thì những thông số về sản lượng lúa gạo và lượng cung - cầu trong cả nước cũng là một cơ sở quan trọng để quyết định về hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 5-2020 cũng như cả năm 2020. Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết: Bộ NN và PTNT đã và đang phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp, bảo đảm kế hoạch sản xuất lúa năm 2020. Theo đó, dự kiến sản lượng lúa cả năm 2020 đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó, vụ đông xuân ước đạt 20,2 triệu tấn thóc, dự kiến kết thúc thu hoạch trước 30-6; vụ hè thu ước đạt 11 triệu tấn thóc; dự kiến sẽ tập trung thu hoạch từ 15-6 đến 30-9; vụ thu đông tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 4,2 triệu tấn thóc, tập trung thu hoạch từ 15-9 đến 15-11; vụ mùa ước đạt 8,2 triệu tấn thóc, tập trung thu hoạch từ 15-9 đến 31-12. Về nhu cầu tiêu dùng và dự trữ cả nước, theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ thóc trong nước là 29,96 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn thóc; phục vụ chế biến 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống, giống dự phòng một triệu tấn. Ngoài ra, nguồn dự trữ trong nước là 3,8 triệu tấn thóc. Với kế hoạch sản xuất và sản lượng nêu trên thì theo dự báo từ đầu năm, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 có thể đạt từ 6,5 đến 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13 đến 13,4 triệu tấn thóc).
Trước tình hình thực tế này, đại diện Bộ Công thương cho biết, Bộ đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm Trưởng đoàn, trong đó có đại diện các bộ: Tài chính, NN và PTNT, Công an và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, để làm việc với một số cơ quan có liên quan nhằm nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng, trên cơ sở đó xây dựng báo cáo Thủ tướng về tình hình xuất khẩu gạo tháng 4-2020 và phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5-2020. Ðoàn kiểm tra sẽ làm việc từ ngày 20 đến ngày 24-4.
Có thể thấy, việc triển khai thực hiện xuất khẩu gạo trong tháng 4 vừa qua đã có những bất cập, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tiến độ thu mua lúa của nông dân. Chính vì vậy, thời gian tới rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ liên quan trong điều hành xuất khẩu gạo nhằm đưa ra những quyết sách đúng đắn, hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, đồng thời vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, vụ đông xuân vừa qua, sản lượng lúa toàn vùng đạt hơn chín triệu tấn. Vụ lúa hè thu đã gieo sạ hơn một tháng, các trà lúa đang phát triển tốt, hai tháng nữa sẽ thu hoạch, dự kiến vụ này toàn vùng thu hoạch khoảng bảy triệu tấn lúa (bốn triệu tấn gạo). Sản lượng lúa gạo này bảo đảm an ninh lương thực và kế hoạch xuất khẩu gạo đề ra từ đầu năm. Do vậy, Chính phủ, các bộ, ngành nên cân nhắc cho xuất khẩu gạo bình thường, tạo thuận lợi về giá cho nông dân và doanh nghiệp.
Giáo sư Võ Tòng Xuân
|
Các chi phí trong quá trình các mặt hàng gạo đang chờ tại cảng gồm: phí lưu công-ten-nơ, lưu bãi (khoảng 300 nghìn đồng/công-ten-nơ (25 tấn/ngày); tiền phạt chậm giao hàng; đồng vốn bị đọng trong khi vẫn phải trả lãi vay ngân hàng. Ngoài ra, có một số công ty còn phát sinh chi phí kiểm hóa vì đi luồng đỏ. Theo đó, doanh nghiệp phải kéo hàng đi cân với mức phí 890 nghìn đồng/công-ten-nơ; 200 nghìn đồng/công-ten-nơ phí cắt seal và muốn lấy công-ten-nơ chuyển đi cân thì phải tốn thêm phí chuyển đảo công-ten-nơ là 250 nghìn đồng/công-ten-nơ. Riêng TP Cần Thơ, ước tính chi phí lưu bãi, lưu công-ten-nơ, tiền phạt, tiền đóng công…, thất thoát từ 260 đến 350 triệu đồng/ngày đối với mỗi doanh nghiệp, tùy vào số lượng hàng nằm tại cảng.
|
NHÓM PHÓNG VIÊN - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)