Trong bốn tháng đầu năm giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 2,8 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông, lâm thủy sản giảm 16,9% trong tháng 4
Trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,9 tỷ USD, giảm 16,9% so với tháng 4-2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 1,47 tỷ USD, giảm 14,7%; lâm sản chính khoảng 683 triệu USD, giảm 24%; thủy sản đạt 563 triệu USD, giảm 10,8% và chăn nuôi đạt 41 triệu USD, giảm 27,7%…
Tính chung bốn tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 11,9 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2019. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm kim ngạch, trừ cà-phê, hạt điều, rau, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre,..
Cụ thể, giá trị xuất khẩu cà-phê đạt 1,1 tỷ USD, tăng 1,5%; hạt điều đạt 948 triệu USD, tăng 4,2%; rau đạt 203 triệu USD, tăng 5,0%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,22 tỷ USD, tăng 3,5%; mây, tre, cói thảm đạt 162 triệu USD, tăng 11,8%.
Bên cạnh những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng, nhiều mặt hàng vẫn duy trì sự giảm mạnh từ đầu năm như: cao su đạt 383 triệu USD, giảm 31,1%; chè đạt 53 triệu USD, giảm 14,1%; hồ tiêu đạt 249 triệu USD, giảm 12%; cá tra đạt 420 triệu USD, giảm 31,9%; tôm đạt 748 triệu USD, giảm 11,8%…
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,8 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ và chiếm 23,4% thị phần. Tiếp đến là Hoa Kỳ ước đạt 2,78 tỷ USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ và chiếm hơn 23% thị phần. Thị trường EU ước đạt 1,3 tỷ USD, giảm gần 2% và chiếm gần 11% thị phần.
Tuy nhiên, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang một số thị trường vẫn có sự tăng trưởng nhẹ như: Nhật Bản đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng gần 3%, chiếm 9% thị phần. Các nước ASEAN đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng trên 7% và chiếm gần 11% thị phần.
Tiếp tục cân đối cung cầu bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu
Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước như: lúa gạo, thịt lợn, rau quả, thủy sản, đường, muối để cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản. Hai bộ cũng nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất với lãnh đạo bộ các giải pháp ứng phó, đặc biệt là tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Bên cạnh đó, các ngành chức năng làm việc với phía bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa, kiểm soát tốt dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng các phương án, kịch bản xuất khẩu nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi Trung Quốc hết dịch.
Mặt khác, bộ cũng tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hoa Kỳ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả-rập Xê-út. Đồng thời, xây dựng chương trình đoàn công tác bộ làm việc tại Trung Quốc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Australia.
Để thúc đẩy giao thương với Trung Quốc trong tình hình dịch Covid-19, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị các cửa khẩu cần đánh giá lại từng thế mạnh với các loại nông sản để chỉ đạo, điều hành luồng đi một cách khoa học, hợp lý.
Về phía ngành, ngành tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất chuỗi, tăng cường chế biến để phục vụ đắc lực cho thương mại hiện đại. Bởi làm được điều này sẽ không chỉ thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà bất kỳ thị trường nào.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, tính chung bốn tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 9,17 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoại trừ các mặt hàng dầu mỡ động thực vật, lúa mì, cao su và chăn nuôi có giá trị nhập khẩu tăng, các mặt hàng khác như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc và nguyên liệu, rau quả… đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.
THANH TRÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)