5 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu 67.638 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt lợn, tăng 298% so với cùng kỳ năm 2019.
Khó nhập khẩu do thiếu nguồn cung
Theo báo cáo Bộ NN-PTNT, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu hơn 67 nghìn tấn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, tăng 63% so với năm 2018 khi có chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tính đến hết ngày 30-5-2020, có 129 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt lợn từ các nước vào Việt Nam với tổng lượng thịt lợn nhập khẩu hơn 67.638 tấn, tăng 298% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Braxin, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Liên bang Nga.
Về lợn giống, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 7.700 con lợn giống, tăng hơn 300% so với tổng số lợn giống nhập khẩu năm 2019. Nhập khẩu thịt lợn được cho là bài toán cuối cùng nhằm đa dạng hóa nguồn cung, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và kéo giá thịt lợn neo cao trong suốt một thời gian dài vừa qua. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT cho hay, việc nhập khẩu thịt lợn thời điểm hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do, nguồn lợn của cả thế giới giảm, khiến việc tìm được các nguồn cung cấp với giá hợp lý không dễ. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp thịt lợn cho các thị trường trên thế giới. Số liệu cho thấy, tổng đàn lợn của cả thế giới vào tháng 1-2020 đạt khoảng 678 triệu con, giảm khoảng gần 12% so với năm 2019.
Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề do bệnh dịch tả lợn châu Phi nên cần rất nhiều thịt lợn; giá thịt lợn ở nước này hiện rất cao nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng mua thịt lợn nhập khẩu với giá cao hơn từ 20 - 30% so với các doanh nghiệp Việt Nam và họ thường mua với số lượng rất lớn. Ngoài ra, các nước đã ký hợp đồng xuất bán thịt lợn cho các doanh nghiệp Trung Quốc ngay từ đầu năm 2019. Chỉ tính riêng quý I-2020, Trung Quốc đã nhập khoảng một triệu tấn thịt lợn từ các quốc gia khác.
Mặt khác, thời gian qua có ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhập khẩu hoặc có tham gia nhưng chỉ nhập được với số lượng ít thịt lợn vì vấn đề thị trường cung cầu, lợi nhuận kinh tế. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu thường sản xuất dựa trên kế hoạch và hợp đồng đã ký trước đó tối thiểu từ 3 - 5 tháng, nhưng do ảnh hưởng của kỳ nghỉ tết, nhất là đại dịch Covid-19 đang xảy ra, do đó các nhà máy giết mổ gia súc và các doanh nghiệp xuất khẩu thường đóng cửa, các hoạt động thương mại bị đình trệ. Thông thường, thời gian mua hàng từ châu Âu, châu Mỹ và chuyển về Việt Nam cần từ 35 - 45 ngày tàu đi trên biển. Trong khi đó, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh khá cao. Các doanh nghiệp cần có thêm vốn để nhập. Vì để nhập 200 - 300 tấn/tháng, các doanh nghiệp phải đặt cọc vài chục tỷ đồng cho mỗi lần mua.
Giải pháp giảm giá thịt lợn
Giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nguyên nhân do, thịt lợn chiếm 70% trong rỏ thực phẩm của người tiêu dùng. Tái đàn được cho là giải pháp cốt yếu và bền vững để kéo giá thịt lợn tại thị trường trong nước xuống.
Hiện, Bộ NN-PTNT đang rà soát, khẩn trương chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi để có nguồn lực tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn; đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại địa phương có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo của ngành Ngân hàng. Đồng thời tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế như thịt gia súc khác, thịt gia cầm, trứng và thủy hải sản.
Sau thông tin Bộ NN-PTNT cho phép nhập khẩu lợn sống về giết mổ tại Việt Nam, giá thị lợn hơi đã giảm nhiệt. Ngày 10-6, giá lợn hơi tiếp tục giảm mạnh trên toàn quốc, giá lợn thấp nhất ở mức 85 nghìn đồng/kg (Đắk Lắk), giá cao nhất: 97 nghìn đồng/kg (Thái Bình).
THANH TRÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)