Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An mạnh dạn đầu tư 10 silo chứa lúa khô theo công nghệ của Đức để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Nội lực đã sẵn sàng
Dù thị trường châu Âu yêu cầu khắt khe về chất lượng gạo và có quy định hạn ngạch cụ thể theo từng chủng loại nhưng nhiều doanh nghiệp Cần Thơ vẫn lạc quan bởi đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm qua. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ: Từ năm 2006, công ty đã xuất khẩu đơn hàng đầu tiên sang Thụy Sĩ với sản phẩm gạo Jasmine 85, giá trị thu về hơn 3 triệu USD. Ðến nay, trung bình mỗi năm công ty xuất khẩu trên dưới 10.000 tấn gạo sang các nước châu Âu như: Pháp, Ðức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha… với mức giá rất tốt, từ 500-600 USD/tấn, thậm chí 800-900USD/tấn, hoặc một số đơn hàng gạo tím than hữu cơ có thể lên đến hơn 1.000 USD/tấn. Ðặc biệt, công ty đã xây dựng các cánh đồng lớn sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ, với quy trình từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ được áp dụng và đánh giá dựa trên tiêu chuẩn của châu Âu, châu Mỹ… Công ty cũng đã mạnh dạn đầu tư 10 silo chứa lúa khô theo công nghệ của Ðức với khả năng dự trữ lên đến 30.000 tấn lúa khô để đảm bảo nguồn cung và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu khách hàng.
Còn Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát đã có 5 năm đưa sản phẩm vào thị trường châu Âu và có đầy đủ các chứng nhận như: HACCP, ISO cũng như giấy phép xuất khẩu vào thị trường này. Bà Bùi Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, chia sẻ: Trước đây, khách hàng châu Âu sang tận công ty, vào tham quan nhà máy để tìm hiểu chất lượng gạo. Song do bị đánh thuế nhập khẩu cao, khách hàng thường trả giá thấp hoặc ký hợp đồng với sản lượng ít. Các đơn hàng xuất khẩu của công ty tập trung chủ yếu ở châu Á, châu Mỹ, châu Phi và một phần sang châu Âu nhưng sản lượng không đáng kể. Trước đây, gạo Việt vào thị trường châu Âu bị đánh thuế nhập khẩu rất cao (từ 5%-45% tùy từng quốc gia). Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp khó do vận chuyển đi xa, mất nhiều thời gian và thanh toán chậm. Nếu xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực, doanh nghiệp có thể nhận được tiền trong 3 ngày; còn xuất khẩu sang châu Âu thời gian nhận tiền có khi lên đến 2-3 tháng. Ðơn hàng xuất khẩu sang châu Âu mỗi đợt chỉ từ 5-10 container, thậm chí 20 container là nhiều, song công ty vẫn duy trì kết nối với đối tác châu Âu để làm thị trường.
Tăng tốc giành thị phần
Với hạn ngạch 80.000 tấn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào thị trường châu Âu không lo ngại vấn đề cạnh tranh với nhau do đã có sự chuẩn bị sẵn về nội lực. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ: Chính phủ đàm phán hạn ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông sản theo lộ trình nên hạn ngạch nhập khẩu gạo ở các năm sau có thể thay đổi. Thông thường sau 3-5 năm, hạn ngạch nhập khẩu có thể được điều chỉnh tăng dần theo nhu cầu thị trường. Cũng trong tháng 7 vừa qua, công ty đã xuất khẩu thành công 3 container mang thương hiệu của Trung An vào thị trường Pháp. Ðây cũng là lần đầu tiên, sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam đủ điều kiện được đặt trên các kệ hàng và trực tiếp đến tay người tiêu dùng châu Âu. Công ty cũng đang kỳ vọng vào các đơn hàng mới sẽ có sự gia tăng cả về sản lượng lẫn giá cả.
Thị trường chính thức mở cửa khi EVFTA có hiệu lực cũng là thời điểm doanh nghiệp cân đối lại nguồn lực để có giải pháp tiếp cận sao cho phù hợp. Theo bà Bùi Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, để đưa gạo vào thị trường châu Âu, doanh nghiệp đã có 5 năm xây dựng chất lượng sản phẩm, xây dựng thị trường, đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết như có quy trình sản xuất khép kín cho phép truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có kho sạch để dự trữ lúa gạo, có chứng thư xuất khẩu. Gạo Việt vào thị trường châu Âu vừa được miễn thuế nhập khẩu, vừa được giá tốt. Nếu xuất khẩu sang Ghana, Bờ Biển Ngà (châu Phi) công ty có thể bán được 565 USD/tấn thì xuất khẩu sang châu Âu có thể được giá trên 600 USD/tấn. Nội lực đã có, song do thời hạn thanh toán của đối tác rất chậm, từ 2-3 tháng; muốn tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, doanh nghiệp cần tiếp cận được nguồn vốn dài hạn từ ngân hàng.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, chia sẻ: TP Cần Thơ hiện có 41 thương nhân xuất khẩu gạo. Nhiều doanh nghiệp trong số đó đã chủ động sản xuất theo quy trình khép kín, từ liên kết hình thành vùng nguyên liệu đến chế biến, đóng gói và xuất khẩu. Với sự chuẩn bị sẵn sàng về nội lực, cung ứng sản phẩm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội gia tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường châu Âu ngay khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Về phía Sở Công Thương cũng sẽ tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp gạo kịp thời cập nhật các thông tin, hồ sơ, thủ tục liên quan để tận dụng hiệu quả các cơ hội từ EVFTA mang lại.
Theo thỏa thuận của EVFTA, phương thức quản lý về hạn ngạch nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông nghiệp và gạo của Việt Nam đã được Ủy ban châu Âu (EC) công bố từ ngày 15-7. Theo đó, EC công bố hạn mức hằng năm đối với mặt hàng gạo là 80.000 tấn. Trong đó có 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)