Gỡ khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Mỹ

Thứ năm, 10 Tháng 9 2020 07:53 (GMT+7)
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, hoạt động xuất khẩu trái cây từ Việt Nam sang thị trường Mỹ gặp nhiều khó khăn. Trong đó, từ ngày 7-8 đến 21-8, do không có nhân viên giám sát xử lý chiếu xạ, nhiều mặt hàng trái cây xuất khẩu sang thị trường này bị ngưng trệ hoàn toàn.
Đóng gói chôm chôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất, nhập khẩu trái cây Chánh Thu, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: HỒ NGON
 
Trái cây Việt “tắc đường” sang Mỹ
 
 Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ tháng 3, phía Mỹ yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của Cơ quan kiểm dịch động, thực vật Mỹ (APHIS). APHIS là đơn vị trực tiếp kiểm dịch, giám sát quy trình chiếu xạ tại nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là nhà máy chiếu xạ duy nhất của Việt Nam được APHIS chứng nhận. Trước tình hình nêu trên, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chủ động đàm phán với Bộ Nông nghiệp Mỹ tạm thời cử cán bộ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thực hiện công tác giám sát xử lý chiếu xạ. Tuy nhiên, do tình hình dịch xuất hiện trở lại có thể kéo dài và có chiều hướng phức tạp, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông báo chỉ có thể tiếp tục hỗ trợ cử cán bộ giám sát đến ngày 7-8. Kể từ đó việc chiếu xạ bị ngưng trệ và xuất khẩu trái cây sang Mỹ bị chững lại. Cục BVTV cho biết, năm 2019, sản lượng trái cây xuất khẩu sang Mỹ là 12.295,6 tấn và sáu tháng đầu năm 2020 là 6.441,08 tấn, chiếm tỷ trọng 52,39% so với năm 2019. Theo quy định của Mỹ, trái cây xuất khẩu sang Mỹ bắt buộc phải có giám sát tại cơ sở chiếu xạ. Việc không có chuyên gia kiểm dịch thực vật Mỹ giám sát xử lý kiểm dịch thực vật tại chỗ sẽ gây ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Mỹ.
 
 Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, để xuất khẩu được vào thị trường này, trái cây của Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe phía Mỹ đưa ra. Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ký kết hợp đồng bao tiêu với các nhà vườn, sản xuất theo tiêu chuẩn của Mỹ. Trong thời điểm việc xuất khẩu bị chững lại, doanh nghiệp vẫn phải thu mua toàn bộ nông sản đã ký kết bao tiêu với nông dân. Lượng hàng tồn kho lớn, trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp xuất khẩu không dễ chuyển hướng thị trường.
 
 Là một trong những doanh nghiệp chiếm sản lượng lớn trái cây xuất khẩu sang Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Đình Tùng chia sẻ: Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến sản lượng xuất khẩu trái cây của công ty giảm 20 đến 30% so thời điểm trước dịch, chỉ đạt từ 100 đến 150 tấn/tuần. Sang tháng 8, tình hình xuất khẩu khó khăn hơn. Từ ngày 7-8 đến 21-8, do thiếu nhân viên kiểm dịch công ty không thể xuất khẩu trái cây sang Mỹ. Để giải quyết hàng tồn kho, chúng tôi chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, chấp nhận việc giảm giá bán để tăng sản lượng tiêu thụ. Tuy vậy, lượng hàng xuất khẩu không được nhiều vì trước đó công ty đã chuẩn bị đủ nguồn hàng cho các thị trường này. Tại thị trường trong nước, chỉ có khoảng 5% sản lượng hàng được đưa vào các chuỗi bán lẻ. Phần lớn lượng nông sản không xuất khẩu phải sử dụng biện pháp cấp đông. Giải pháp này tuy bảo quản được nông sản nhưng giảm mạnh giá trị sản phẩm, đồng thời tăng chi phí lưu kho, bảo quản…
 
 Theo Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy, doanh nghiệp này xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu là sầu riêng, nhãn, thanh long, xoài... Sản lượng xuất khẩu bình quân mỗi tuần khoảng 200 tấn; trong đó, khoảng 70 tấn là sầu riêng, 30 đến 70 tấn là nhãn, xoài còn lại là các loại trái cây khác. Tại thời điểm không thể xuất khẩu trái cây sang Mỹ do vấn đề chiếu xạ, các loại trái cây như nhãn, xoài đã gặp khó trong việc tiêu thụ. Lượng hàng không thể xuất được sang Mỹ của công ty ước khoảng 150 tấn, đã phải hạ giá bán, thậm chí bán lỗ để tiêu thụ sản phẩm.
 
 Khơi thông điểm nghẽn
 
 Trước thời điểm Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông báo chỉ có thể tiếp tục hỗ trợ cử chuyên gia giám sát xử lý chiếu xạ đến ngày 7-8, Cục BVTV đã nỗ lực đàm phán để Bộ Nông nghiệp Mỹ đồng ý đặc cách cử chuyên gia trở lại Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, việc đưa chuyên gia Mỹ trở lại Việt Nam trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp gặp nhiều khó khăn. Do có quy định chặt chẽ bảo đảm an toàn cho chuyên gia Mỹ trong thời kỳ dịch bệnh, đến ngày 11-8 phía Mỹ mới chính thức cung cấp thông tin về cán bộ kiểm dịch thực vật cho Cục BVTV để làm thủ tục. Sau nhiều nỗ lực đàm phán, ngày 2-9, chuyên gia của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ đã sang đến Việt Nam. Sau khi hoàn thành cách ly y tế, chuyên gia Mỹ sẽ bắt đầu vào làm việc tại cơ sở chiếu xạ Sơn Sơn. Trong thời gian chờ đợi chuyên gia quay trở lại làm việc, ngày 21-8, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã có thông báo đồng ý với đề xuất của Cục BVTV về việc tiếp tục cử cán bộ của APHIS và Lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh thực hiện giám sát xử lý trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường này. Tùy thuộc vào lượng hàng xử lý chiếu xạ, thời gian giám sát trong ngày của chuyên gia Mỹ phải bảo đảm cho đến khi hết đơn hàng. Với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, phía Đại sứ quán Mỹ chỉ cho phép nhân viên làm việc hai ngày mỗi tuần.
 
 Việc Cục BVTV đàm phán để APHIS cử người sang Việt Nam, cũng như Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cử nhân viên thực hiện giám sát xử lý chiếu xạ trái cây xuất khẩu sang Mỹ trong lúc chưa có chuyên gia được xem là giải pháp tình thế, khơi thông điểm nghẽn xuất khẩu. Về lâu dài, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục BVTV) Nguyễn Quang Hiếu cho biết, Cục BVTV đang tiếp tục làm việc với Cơ quan kiểm dịch động, thực vật Mỹ tại Hà Nội đề xuất phương án để APHIS tuyển dụng cán bộ người Việt Nam thực hiện công việc giám sát tại các cơ sở xử lý, thay vì cử chuyên gia từ Mỹ sang. Phương án này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho phía Việt Nam và quan trọng hơn hết, đây là phương án bền vững, tăng tính chủ động cho phía Việt Nam nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
 
 Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, để giảm rủi ro, các công ty khi xuất khẩu, nên tạo thị trường đệm, trong trường hợp thị trường chính có biến động bất lợi có thể chuyển một phần lượng hàng xuất khẩu sang các thị trường này. Hiện nay, việc chiếu xạ trái cây xuất khẩu sang Mỹ chỉ do một công ty tại TP Hồ Chí Minh đảm nhận. Điều này gây ra nhiều bất cập. Các mặt hàng trái cây ở miền bắc như nhãn, xoài muốn xuất khẩu sang Mỹ phải vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh mới chiếu xạ được. Như vậy, doanh nghiệp tốn thêm chi phí vận chuyển, bảo quản, lưu kho… ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, việc có duy nhất một nhà máy chiếu xạ hoạt động chưa tạo được sự cạnh tranh về giá. Trong khi đó, ở các quốc gia khác chẳng hạn như Thái-lan, có từ ba đến bốn nhà máy cho nên giá chiếu xạ rất cạnh tranh. Ngoài Mỹ, một số thị trường khác như Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân cũng yêu cầu chiếu xạ trước khi xuất khẩu, vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên cân nhắc nhu cầu của thị trường mở thêm các nhà máy chiếu xạ.

 
 Hoàng Anh Thư - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm