Đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt

Thứ tư, 21 Tháng 10 2020 10:16 (GMT+7)
Xác định thị trường nội địa giữ vai trò quan trọng trong khôi phục và phát triển kinh tế, Hậu Giang đã có nhiều chương trình, hoạt động nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm và hưởng ứng hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Phiên chợ hàng Việt là cơ hội cho các doanh nghiệp khảo sát và tìm hướng mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Các hoạt động kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh được tập trung triển khai đồng bộ, có sự phối hợp giữa các ngành, địa phương và liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó, đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa, phát triển thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp và tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với các mặt hàng nội địa nói chung và sản phẩm của tỉnh nói riêng.
 
Vào đầu tháng 10, phiên chợ hàng Việt về nông thôn đã chính thức trở lại sau thời gian dài tạm lắng. Khởi động cho nhiều phiên chợ ở khắp các địa phương trong tỉnh từ nay đến cuối năm, phiên chợ lần này tại thành phố Ngã Bảy đã thu hút đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài địa phương tham quan, mua sắm. Có lẽ là do từ đầu năm đến giờ mới có một sự kiện thương mại quy mô lớn được tổ chức trên địa bàn, hơn 200 gian hàng tập trung hầu hết các mặt hàng tiêu dùng như may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm… Đặc biệt không thể thiếu tại các phiên chợ là 20 gian hàng Việt bày bán các sản phẩm chủ lực, bình ổn thị trường của các doanh nghiệp nội địa uy tín.
Khách hàng tham quan tại gian hàng bày bán sản phẩm gạo sạch Vị Thủy tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn.
 
Mới ngày đầu phiên chợ mở cửa, bà Nguyễn Thị Oanh, ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, đã ra về với một bịch to đựng nhiều đồ dùng chọn được từ phiên chợ, nào thực phẩm, các đồ dùng làm bếp và quần áo. Vừa chuẩn bị sắp xếp đồ đạc gọn gàng để chở về nhà, bà Oanh hào hứng nói: “Tôi thích đi các phiên chợ thế này, bởi đủ loại hàng hóa tập trung cùng lúc, cần mặt hàng nào là đến khu vực bày bán loại đó để lựa. Có nhiều món có thể mua bên ngoài nhưng tôi cũng vào đây mua luôn cho tiện, chất lượng mà giá cả cũng hợp túi tiền”. Theo quan sát của chúng tôi, bà Oanh không đi một mình mà đi theo nhóm những người bà con, hàng xóm có chung sở thích mua sắm, ai cũng khệ nệ trên tay nhiều túi “chiến lợi phẩm” lớn, nhỏ, còn không quên rủ nhau vài bữa nữa đi tiếp trước khi phiên chợ kết thúc.
 
Phiên chợ lần này gian hàng bố trí rộng rãi, dễ vào lựa chọn nên dù lượng khách khá đông vẫn không xảy ra tình trạng chen lấn, khó di chuyển. Theo đánh giá của đơn vị phối hợp tổ chức nhiều đợt phiên chợ tại Hậu Giang, yêu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn ngày càng cao, nhất là về chất lượng sản phẩm, còn chủng loại hàng hóa phải đa dạng và giá cả cạnh tranh. Khách hàng giờ đây có nhiều kênh thông tin nên nắm bắt rất nhanh những thay đổi thị trường và các xu hướng. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp càng phải chú trọng đầu tư sản xuất, nâng chất sản phẩm từng ngày mới hy vọng có được lòng tin của người tiêu dùng và nắm được cơ hội mở rộng thị trường.
 
Ông Ngô Vĩnh Lộc, nhân viên kinh doanh, cơ sở sản xuất chao Lộc Hưng Phát tại tỉnh Vĩnh Long tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại thành phố Ngã Bảy, thông tin: Do mặt hàng của cơ sở chủ yếu được sản xuất thủ công, quy mô vừa phải nên tham gia các phiên chợ như thế này rất phù hợp với tiêu chí về thị trường và đối tượng khách hàng hướng tới. Đợt này, cơ sở còn mang sản phẩm mới là chao sen để giới thiệu, khảo sát ý kiến khách hàng để từ đó nắm được yêu cầu và thói quen của người tiêu dùng địa phương, từng bước khai thác thị trường tiềm năng ở Hậu Giang.
 
Không chỉ tổ chức các đợt hội chợ thương mại, phiên chợ hàng Việt về nông thôn, Sở Công thương còn chủ trì phối hợp tổ chức, tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Gần đây nhất là mang sản phẩm chủ lực, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tỉnh giới thiệu tại Chương trình kết nối cung - cầu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện này thu hút hơn 1.500 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh, thành. Tham gia còn có các doanh nghiệp thương mại lớn, mở ra cơ hội hợp tác giữa nhà sản xuất và đơn vị phân phối. Gian hàng của các doanh nghiệp Hậu Giang có mặt các sản phẩm như trà mãng cầu, các sản phẩm chế biến từ cá thát lát, gạo, rượu truyền thống… Tham gia chương trình lần này, bà Võ Thị Phương Trang, cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, huyện Phụng Hiệp, cho biết: Sản phẩm của cơ sở đã nhận được sự quan tâm từ người tiêu dùng và doanh nghiệp nên ký kết được bản ghi nhớ, mở ra cơ hội cung ứng hàng hóa cho các siêu thị, trung tâm thương mại trong thời gian tới.
 
Những hoạt động thiết thực nhắm đến mục tiêu vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tỉnh phục hồi và phát triển sản xuất vừa kết nối cung cầu theo hướng chuỗi giá trị. Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới. Ngành cũng đề ra giải pháp đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng, phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho hàng hóa. Tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Liên kết mở rộng thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Theo sát nắm bắt thị trường, chủ động dự báo tình hình cung cầu giá cả để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.
 
Bài, ảnh: THIÊN NGỌC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm