Doanh nghiệp lo Tết sớm

Thứ hai, 16 Tháng 11 2020 10:44 (GMT+7)
Những biến động về giá thực phẩm cuối năm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đặc biệt là mưa bão trong thời gian vừa qua buộc doanh nghiệp chủ động mua, dự trữ nguyên liệu để bảo đảm kế hoạch sản xuất phục vụ Tết
Trong khi các doanh nghiệp (DN) sản xuất, cung ứng các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm khá thoải mái về nguồn cung lẫn giá nguyên liệu thịt heo, thịt gà, trứng gà từ nay đến Tết nguyên đán Tân Sửu 2021 thì các DN sử dụng nguyên liệu thủy hải sản lại có phần sốt ruột.
 
Chủ động nguyên liệu, sản xuất
 
Tổng giám đốc một DN sản xuất thủy hải sản tại TP HCM cho hay trong nhiều tháng nay, DN phải liên tục cử nhân viên ra tận các cảng cá ở miền Trung, miền Bắc để gom hàng, thậm chí một số nguyên liệu cá trước đây chỉ mua trong nước thì nay cũng phải nhập khẩu. "Dịch bệnh, bão lũ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhiều gia đình, nhiều khoản chi tiêu bị cắt giảm nhưng so với các lĩnh vực khác, sản xuất lương thực thực phẩm vẫn "dễ sống" hơn. Như công ty tôi, một số nhà phân phối vừa bàn kế hoạch tăng đặt hàng cho tháng Tết và gia công thêm sản phẩm hàng nhãn riêng. Công ty cũng chủ động nghiên cứu và đưa một số sản phẩm mới ra thị trường nội địa" - vị tổng giám đốc nói. Ông cho biết bộ phận thu mua của công ty đang phải làm việc gấp rưỡi, gấp đôi trước đây để lo đủ nguyên liệu sản xuất.
 
Theo các DN, diễn biến thị trường với nhiều tác động bất lợi, nhất là tình hình bão lũ đang gây thiệt hại nặng ở các tỉnh miền Trung sẽ ảnh hưởng lớn đến sức mua cuối năm. Dự báo thị trường Tết năm nay sẽ ít sôi động hơn những năm trước. Do đó, để kích thích tiêu dùng, DN phải chuẩn bị nguyên liệu, lên kế hoạch sản xuất từ sớm để chủ động kìm giữ giá, đẩy sản phẩm lên kênh mua sắm online và chi nhiều hơn cho hoạt động khuyến mãi giảm giá.
Doanh nghiệp lo Tết sớm - Ảnh 1.
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất hàng Tết
 
Phát triển sản phẩm mới để tạo sự chú ý của khách hàng cũng là một giải pháp. Công ty CP Vinamit ngoài việc tích cực phát triển các cộng tác viên bán hàng online cũng đang chuẩn bị cho sự ra mắt một số sản phẩm nước uống dinh dưỡng từ rau củ, trái cây. "Năm nay, tình hình chung khó khăn nên Vinamit không ra nhiều sản phẩm trong năm mới mà chỉ tập trung cho dịp cuối năm. Đây là dòng sản phẩm mới 100%, khách hàng chỉ việc mở nắp ra là uống chứ không cần pha chế, phối trộn một số loại với nhau như cà phê, nước mía và nước rau củ, trái cây sấy khô trước đây" - ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, tiết lộ.
 
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP HCM, hiện các DN tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và tập trung nghiên cứu, phát triển thêm sản phẩm mới để tạo sự đa dạng cho hàng Tết. Nhìn chung, DN chuẩn bị hàng cho tháng Tết tăng 20%-25% so với tháng bình thường, riêng các DN bán lẻ lớn của TP HCM đã chuẩn bị lượng hàng Tết tăng gấp 2-3 lần so với tháng thường. Tuy nhiên, đa số DN còn khá dè dặt trong việc công bố kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng Tết.
 
Dành hơn 10.425 tỉ đồng cho tháng cao điểm Tết
 
Thống kê chung của Sở Công Thương, chỉ riêng nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu, các DN đã lên kế hoạch chuẩn bị hơn 19.679 tỉ đồng, tăng hơn 652 tỉ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020 cho 2 tháng trước và sau Tết. Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỉ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là hơn 10.425 tỉ đồng, hàng bình ổn thị trường là hơn 4.172 tỉ đồng. Tổng cộng, lượng hàng chuẩn bị tăng từ 4,4%-17,3% so với kế hoạch TP giao và tăng 12%-21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020. Trong đó, nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22%-54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)...
 
Cũng như các năm trước, năm nay, các DN bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá các mặt hàng trong danh mục bình ổn thị trường trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết, đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Trong tháng cận Tết, các DN sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng nước giải khát, bánh kẹo, quần áo… nhằm duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, sức mua và tiêu thụ của người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Các hệ thống phân phối lớn như: Saigon Co.op, Satra, Aeon - Citimart, BigC dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5%-49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.
 
Không để xảy ra thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng trên cả nước
 
Bộ Công Thương vừa có công văn đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành, các đơn vị thuộc bộ sớm có kế hoạch sản xuất - kinh doanh và các phương án xử lý những biến động bất thường của thị trường nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết 2021. Bộ yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Không để xảy ra thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong trường hợp có dịch bệnh hoặc Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật.
 
Bài và ảnh: THANH NHÂN - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm