Vụ lúa Hè - Thu đã bắt đầu cùng với thông tin giá phân bón các loại đều đã tăng cao. ẢNH: THẾ BẰNG
Đối với Sóc Trăng và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc giá lúa, heo hơi và tôm nước lợ giữ được ở mức cao từ đầu năm đến nay thật sự là niềm vui giúp họ có thêm động lực để đầu tư sản xuất.
Vụ lúa Đông – Xuân năm nay dù có đôi chút khó khăn về thời tiết, hạn, mặn nhưng được xem là trúng mùa lớn cả về năng suất lẫn giá bán. Giá lúa của hầu hết các loại giống đều vượt ngưỡng 6.000 đồng/kg, riêng các giống lúa thơm đặc sản giá từ 7.000 – 7.500 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 8.000 đồng/kg. Sự khởi đầu không thể tốt hơn của một năm lương thực được ví như thành tích chào mừng thành công đại hội đảng các cấp. Những người nuôi heo cũng có được nụ cười tươi hơn sau một thời gian dài lao đao vì giá heo hơi xuống thấp do dịch tả heo châu Phi. Với mức giá bình quân phổ biến từ 7 triệu đồng/tạ (100kg) trở lên không chỉ giúp người nuôi có lợi nhuận khá, mà còn giúp tổng đàn heo trong tỉnh nhanh chóng phục hồi sau đợt dịch.
Chung niềm vui với người trồng lúa, nuôi heo, những người nuôi tôm nước lợ có tôm thu hoạch từ đầu năm đến nay cũng hả hê vì lời đậm. Do chưa phải là chính vụ nên số người nuôi tôm hưởng lợi từ mức giá trên chưa nhiều nhưng nó cũng gián tiếp làm cho mùa tôm năm nay thêm phần sôi động, hứa hẹn sẽ mang đến những kết quả tốt hơn cả về mặt sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu. Từ nửa cuối tháng 4 đến nay, dù giá tôm có giảm đi đôi chút nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn được neo ở mức khá cao, nhất là đối với tôm cỡ lớn. Đã có không ít những hộ nuôi tôm theo mô hình ao lót bạt hay ao tròn nổi 2 - 3 giai đoạn chỉ sau vụ thu hoạch đầu năm này đã có trong tay vài trăm triệu cho đến bạc tỉ.
Đúng là không có gì vui hơn khi một số mặt hàng nông, thủy sản chủ lực vừa trúng mùa lại vừa được giá cao, nhưng nông dân và các doanh nghiệp cũng sớm nhận ra có những thứ liên quan đến cây lúa, con heo, con tôm cũng đã và đang tăng theo, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ tác động của dịch Covid-19. Vụ lúa Hè - Thu đã bắt đầu cùng với thông tin giá phân bón các loại đều đã tăng cao khiến áp lực lợi nhuận từ vụ lúa này trở nên nặng nề hơn đối với người trồng lúa, bởi đây cũng là vụ lúa có chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao nhất trong năm, trong khi năng suất, chất lượng và giá bán thường không được như vụ lúa Đông – Xuân. Người nuôi heo cũng đang đối mặt với sự giảm sút về lợi nhuận do giá thức ăn chăn nuôi gần đây liên tục tăng và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.
Thời điểm thả nuôi chính vụ tôm đã bắt đầu, hay nói cách khác đây cũng là thời điểm nhu cầu về con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, chất cải tạo môi trường… sẽ tăng mạnh, nhưng giá cả các loại đầu vào trên hiện đang tăng và một số loại được dự báo sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới. Người nuôi tôm thêm lo là sự tăng giá mạnh của thức ăn tôm. Sau khi đã tăng lên vài ngàn đồng mỗi ký trong những tháng đầu năm, giá thức ăn tôm chẳng những chưa dừng lại mà còn cho thấy dấu hiệu rục rịch cho một đợt tăng giá mới. Đây sẽ là thời điểm rất nhạy cảm đối với người nuôi tôm vì thường khi vào thu hoạch chính vụ giá tôm luôn giảm, nên chỉ cần vụ nuôi không thuận lợi, năng suất thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận, thậm chí là cả khả năng bảo toàn vốn cho vụ nuôi.
Nhưng đâu chỉ có nông dân mà cả những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn vì sự tăng giá của các mặt hàng đầu vào, trong khi giá bán thì gần như không tăng, hoặc có tăng cũng không đáng kể. Đáng kể nhất là cước vận tải biển đã tăng gấp 2 - 3 lần từ đầu năm đến nay, mà nói như giám đốc một doanh nghiệp trong tỉnh là: “Chỉ riêng cước vận tải biển thôi đã ăn gần hết lợi nhuận của doanh nghiệp”. Nguyên nhân của việc giá cước vận tải biển tăng mạnh được xác định là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cũng chính đại dịch này đã tạo nên hiệu ứng tăng giá của nhiều mặt hàng đầu vào khác phục vụ cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông, thủy sản.
Covid-19 đã làm đình trệ sản xuất tại nhiều quốc gia và sẽ còn tác động mạnh trong ngắn hạn đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam, nhưng với kinh nghiệm thành công trong đại dịch của năm 2020, chắc chắn cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều biết mình sẽ phải làm gì để vượt qua thời khắc khó khăn này, nhằm đảm bảo lợi nhuận và sẵn sàng tư thế để bứt phá sau đại dịch.
TÍCH CHU - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)