Vì sao nông sản “ế đồng, đắt chợ”?

Thứ sáu, 25 Tháng 6 2021 07:26 (GMT+7)
ĐBSCL là vựa nông sản lớn nhất nước, đang mùa thu hoạch trái cây, khoai lang… nhưng nhà vườn, người trồng khoai, trồng hành tím không thể vui. Đến mùa thu hoạch nhưng chẳng thấy thương lái đến mua, đành bán tháo, bán đổ với giá rẻ như cho không…
Hàng hóa nông sản ế ẩm…
Khoai lang Bình Tân được bán tại siêu thị GO! Cần Thơ giá 9.900 đồng/kg.
Khoai lang Bình Tân được bán tại siêu thị GO! Cần Thơ giá 9.900 đồng/kg.
 
Về “Vương quốc khoai lang Vĩnh Long” của huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long trong mùa thu hoạch khoai lang. Vụ khoai lang năm nay tuy trúng mùa nhưng người trồng khoai lang kêu cứu. Khác với những mùa khoai lang trước, khoai lang xuất khẩu mạnh hút hàng, chưa thu hoạch đã có thương lái đến hỏi mua, đặt cọc, còn năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thị trường xuất khẩu khoai lang chính yếu là Trung Quốc bị đình trệ nên đến kỳ thu hoạch mà chẳng thấy bóng thương lái đến mua.
 
Ông Tám Điệp, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, vừa thu hoạch khoai lang, hàng chục tấn khoai lang đang đổ đống ra cho mọi người lựa bán cho thương lái. Ông tỏ ra không vui, chua xót nói: “Vụ khoai lang năm nay là xong rồi. Mấy anh em tôi trồng hơn 15 công khoai, dỡ khoai lang củ thấy mê nhưng bán không được 1.000 đồng/kg, chưa đủ tiền mướn công chặt dây, cuốc đất, lấy củ nữa. Đó là chưa kể tiền đầu tư công sức thuê xới đất, mua dây giống, mướn trồng, phân thuốc,… suốt 4-5 tháng nay. Nếu tính đầy đủ năm nay mấy anh em tôi phải lỗ hơn 150 triệu đồng. Dù lỗ cũng phải thu hoạch, khoai lang tới ngày thu hoạch thì phải dỡ để gieo sạ lúa lại, chứ không khéo mất mùa lúa nữa là khổ hơn”.
 
Vụ khoai lang năm nay, Bình Tân có đến hàng trăm ngàn tấn khoai lang, do thị trường Trung Quốc không “ăn hàng” bị dội, bán dưới 1.000 đồng/kg. Tại đồng khoai lang bị ế bán giá thấp nhưng ở các chợ TP Cần Thơ bán khoai lang tím - đặc sản nổi tiếng Bình Tân vẫn ở giá trung bình 5.000 đồng/kg, hoặc 15.000 đồng/2kg. Khoai lang vào được hệ thống siêu thị giá bán cũng cáo hơn. Như tại siêu thị GO! Cần Thơ khoai lang Bình Tân bán giá 9.900 đồng/kg, khoai lang tím trồng tại Đà Lạt, Lâm Đồng được bán đến 14.900 đồng/kg.
 
Chưa năm nào hàng hóa nông sản của nông dân gặp khó, rớt giá như năm nay. Các nhà vườn Phong Điền, TP Cần Thơ, thương hiệu dâu Hạ Châu cũng đang đối mặt khó khăn. Những năm trước, dâu Hạ Châu bán đến 25.000-30.000 đồng/kg nhưng mùa dâu này bán chỉ được khoảng 15.000 đồng/kg. Những năm trước, khách du lịch đến miệt vườn Phong Điền đông đúc, ai cũng mua không đủ dâu bán. Bây giờ, dịch bệnh COVID-19 hoành hành khắp nơi, du khách không có nên dâu Hạ Châu cũng ế ẩm.
 
Ở Hậu Giang, nông dân trồng xoài cũng khốn khó. Vì mùa xoài năm nay, bán như cho không! Xoài giống Đài Loan, trái to, ăn sống giòn ngon nhưng do xuất khẩu không được nên ế, trước đây xoài này bán 15.000-20.000 đồng/kg nay bán tại vườn chỉ 2.000-3.000 đồng/kg. Tính ra chi phí mướn hái xoài đã lỗ nên nhiều nhà vườn “mặc kệ” để xoài chín rụng đầy gốc.
 
Bà Nguyễn Thị Thoa (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), thấy chúng tôi ghé nhà tưởng là lái xoài, bà nhanh miệng giới thiệu: “Tôi còn hơn tấn xoài, mua đi tôi bán rẻ cho”. Hỏi ra mới biết vườn bà Thoa trồng hơn 200 cây xoài giống Đài Loan trái rất to 1-1,5kg/trái, hằng năm thu hoạch được 3-4 tấn xoài. Mùa xoài đầu vụ, bà bán được 15.000 đồng/kg, rồi qua Tết giá liên tiếp sụt giảm, đến nay lái đến tận vườn mua chỉ 3.000 đồng/kg, còn hái đổ ra bên đường bán lẻ được 5.000 đồng/kg. “Giá xoài rẻ như thế này, tính ra chi phí phân thuốc, thuê mướn công hái ăn vô hết rồi, nông dân tụi tui đâu còn lời” - bà Thoa nói.
 
Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là xứ sở trồng hành tím nổi tiếng từng xuất khẩu đi nhiều nước nhưng năm nay cũng trong tình trạng cần hỗ trợ tiêu thụ. Vụ hành tím Vĩnh Châu đầu mùa, trước Tết Nguyên đán 2021, giá bán tại chợ Sóc Trăng với giá cao ngất ngưởng 65.000-70.000 đồng/kg. Người trồng hành tím Vĩnh Châu hy vọng sẽ được trúng giá nhưng không ngờ đến mùa hành chính vụ, giá giảm dần giá chỉ còn 10.000-15.000 đồng/kg nhưng ít thương lái đến mua. Người trồng hành tím Vĩnh Châu kêu gọi giúp đỡ, nhiều cơ quan, đoàn thể chung tay hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu với giá 15.000 đồng/kg. Tuy hành tím ế đồng, bán giá thấp như vậy nhưng vào siêu thị GO! Cần Thơ bán được giá 62.900 đồng/kg, cao gấp 4 lần giá bán tại các chợ Cần Thơ.
 
Đâu là giải pháp phát triển bền vững
 
Các chuyên gia kinh tế cho rằng hàng hóa nông sản ĐBSCL đang bị nghẽn bởi khâu lưu thông phân phối tiêu thụ. Nông dân ĐBSCL vẫn còn “cuộc chơi” riêng lẻ, chưa hợp tác cùng nhau trồng trọt, cùng nhau tiêu thụ. Khâu lưu thông phân phối tiêu thụ lệ thuộc vào thương lái, chứ chưa hợp tác liên kết với nhau để hợp đồng các chợ đầu mối, các chợ lớn của thị trường nội địa với gần 100 triệu người còn bỏ ngỏ. Vì thế khi xuất khẩu hàng hóa nông sản ĐBSCL bị ách tắc, thương lái không mua nông sản hàng hóa nữa, nông dân kêu cứu.
 
Do đó, ĐBSCL cần sớm tổ chức cơ cấu lại sản xuất, hình thành chuỗi giá trị trồng trọt - thu mua - chế biến - tiêu thụ… cùng nhau chia sẻ thông tin, rủi ro, lợi nhuận thì mới hy vọng hàng hóa nông sản mới có triển vọng phát triển bền vững, nhà nông có cơ may cải thiện cuộc sống, giàu có lên. Chứ như hiện nay với tình trạng sản xuất kinh doanh “ao làng” thì khó vươn ra biển lớn. Các chuyên gia kinh tế nông nghiệp cho rằng nông dân ĐBSCL không tài nào đủ sức để vượt qua đại dương mênh mông mà trong đường bơi này là cuộc đua tiếp sức của “bốn nhà”. Đó là Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông. Có như vậy, nông dân ĐBSCL mới kỳ vọng “bơi” đến đích được.
 
GS.TS Võ Tòng Xuân với hàng chục năm nghiên cứu, gắn bó với nông dân ĐBSCL, cho rằng: Để sẵn sàng hội nhập kinh tế thế giới nhất thiết người nông dân phải đổi mới, đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp trong khuôn khổ phát triển nông thôn mới. Trong quá độ sẽ có hy sinh, nhiều nông dân nhỏ sẽ bị đào thải. Muốn đứng vững trong giai đoạn mới, nông dân nhỏ cần liên kết với nhau, có khả năng thích nghi với hệ thống sản xuất hiện đại, giảm chi phí, hạ giá thành. Phải xây dựng hợp tác xã nông nghiệp nơi thích hợp để tạo môi trường đầu tư sản xuất thuận lợi cho nông dân nghèo đồng thời làm vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp có đầu ra đến liên kết với hợp tác xã nông nghiệp tại vùng nguyên liệu bền vững lâu dài.
 
Doanh nghiệp phải “biết người, biết ta” là thấy được cơ hội, lường được những thách thức. Biết liên kết lực lượng nhà nông và tin tưởng lẫn nhau, có cơ chế chia sẻ lợi ích có lời chia lời, có lỗ cùng chia lỗ thì các bên gắn bó với nhau. Nông dân cá thể sẽ không tồn tại được mà thay vào đó là nông dân tập thể - hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nguyên liệu từ nông dân. Nhà nước tích cực đầu tư công nghệ, nâng cao trình độ tay nghề của tất cả các thành phần kinh tế. Lãnh đạo từng địa phương tổ chức thế nào để gắn “Nhà doanh nghiệp” với “Hợp tác xã nông nghiệp hoặc cánh đồng lớn, trong đó nhà nông gắn kết nhà nông” sản xuất nguyên liệu theo quy trình nông nghiệp kỹ thuật cao cung cấp cho doanh nghiệp chế biến sản phẩm có thương hiệu mạnh…
 
Bài, ảnh: HUỲNH BIỂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm