Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến tháng 11, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,75 triệu tấn, thu về 4,41 tỉ USD, tăng 16,2% về khối lượng và tăng 36,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022 - con số kỷ lục của hơn 30 năm xuất khẩu và giá trị cũng tăng chưa từng có.
Tổ chức sản xuất tốt
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hoàng Trung, kết quả nói trên đã khẳng định vị thế và vai trò ngành lúa gạo Việt Nam với an ninh lương thực không chỉ trong nước mà quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng lương thực hiện nay.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết: "Việt Nam từ nước phải nhập khẩu gạo, nhiều năm trở lại đây đã xuất khẩu từ 6-7 triệu tấn gạo/năm và năm nay có thể hơn 8 triệu tấn. Năm 2023, thị trường biến động rất lớn nhưng Việt Nam đã tổ chức sản xuất rất tốt, không chỉ bảo đảm tiêu dùng trong nước mà còn tăng lượng cung ứng ra thế giới".
Theo ông, thành công hơn là nông dân hưởng lợi khi giá lúa tại ruộng lần đầu đạt mốc 9.400 - 10.000 đồng/kg nên họ yên tâm bám ruộng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng lúa gạo. Về phía các doanh nghiệp (DN), tuy có một số DN bị lỗ do biến động giá, DN ký hợp đồng bán giá thấp phải mua hàng giá cao để giao nhưng chỉ chiếm số ít. "Nếu DN có liên kết với nông dân, có vùng nguyên liệu thì vẫn chủ động được nguồn hàng. Xu thế chung là nông dân nên tham gia HTX để liên kết với DN theo tinh thần chia sẻ hài hòa lợi ích và rủi ro và cùng nhau phát triển bền vững" - ông Hoàng Trung nói.
Các HTX cũng là đơn vị tham gia trong đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" vừa được Thủ tướng phê duyệt. Đề án này thể hiện cam kết của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ có ý nghĩa về môi trường, đề án còn góp phần tăng thu nhập cho nông dân nhờ giảm giá thành sản xuất nhưng tăng giá bán sản phẩm với giá trị ước 16.000 tỉ đồng - theo tính toán của ban soạn thảo với đơn giá lúa chỉ 5.100 đồng/kg.
PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đánh giá thành quả xuất khẩu gạo năm nay cũng nhờ vào sự điều hành đúng đắn của Chính phủ. "Hồi tháng 7, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, có nhiều mối lo ngại là Việt Nam cũng sẽ cấm xuất khẩu hoặc cho xuất khẩu có điều kiện. Thực tế, việc cho xuất khẩu gạo bình thường đã giúp Việt Nam tận dụng được thời cơ giá gạo cao. Chưa bao giờ tôi thấy nông dân làm lúa vui như năm nay" - ông Chín nói.
Gạo Việt Nam luôn thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp khi tham dự triển lãm quốc tế
Tận dụng các giải thưởng
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc tận dụng các giải thưởng quốc tế của gạo Việt Nam để xây dựng thương hiệu gạo Việt, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công Thương có chương trình xây dựng thương hiệu gạo, ưu tiên các giống giành giải quốc tế.
Ông Hoàng Trung thông tin: "Vừa qua, có 3 DN Việt Nam tham gia cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới do The Rice Trader tổ chức tại Philippines. Kết quả, gạo Việt Nam giành giải nhất. Điều này khẳng định vị thế của gạo Việt Nam. Không chỉ một giống gạo mà nhiều giống gạo được tôn vinh. Không chỉ cuộc thi năm nay mà cuộc thi những năm trước chúng tôi đã tổ chức khen thưởng, bố trí nguồn lực để nhóm tác giả duy trì, phát triển giống. Ví dụ, gạo ST25 hiện không chỉ được trồng ở Sóc Trăng mà các địa phương khác có thổ nhưỡng thích hợp cũng canh tác giống gạo này".
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, bày tỏ vui mừng trước chiến thắng của lúa gạo Việt Nam tại cuộc thi năm nay và không giấu niềm tự hào khi Lộc Trời đóng góp 2 giống là Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9.
"Chúng ta có thêm tự hào và tự tin về tầm vóc của lúa gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế. Lộc Trời và các đơn vị thành viên sẽ tích cực tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vừa được Chính phủ chấp thuận để cung ứng nguồn giống xác nhận, đặc biệt cho 2 giống Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9. Bên cạnh đó, DN này khuyến khích nông dân thực hiện tiêu chí về sản xuất lúa gạo bền vững, bảo đảm bao tiêu lúa, phát huy năng lực sản xuất và chế biến lúa gạo để luôn có thể cung cấp gạo ngon, gạo mới, chất lượng cao đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho rằng việc đạt kết quả cao tại cuộc thi khẳng định vị thế của ngành gạo Việt Nam trong việc sở hữu những bộ giống gạo chất lượng cao hàng đầu, thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng việc cơ cấu lại ngành lúa gạo.
Trong khi đó, đại diện một DN xuất khẩu gạo lớn tại Việt Nam cho hay Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn ban đầu xuất khẩu gạo có thương hiệu. Bởi lẽ, những loại gạo ngon hiện nay sản lượng vẫn còn ít, chỉ mới đủ để cung cấp cho thị trường nội địa, về xuất khẩu chỉ đủ cho một số đơn hàng nhỏ lẻ, chưa đủ cho những đơn hàng lớn. Tuy vậy, với việc giành giải cao tại các cuộc thi quốc tế của gạo Việt giúp cho việc chào hàng tốt hơn, nhất là các đơn hàng số lượng ít, giá trị cao.
Festival lúa gạo quốc tế tại Hậu Giang
Từ ngày 11 đến 15-12 tại TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) sẽ diễn Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 do Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức với chủ đề "Green Rice for Life - Gạo xanh, Sống lành", quy tụ hơn 200 khách quốc tế đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 gồm nhiều hoạt động triển lãm, hội nghị với các chủ đề chính như: Hội thảo Đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi: hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững; hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới; hội thảo Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo. Bên cạnh đó là các hoạt động bên lề như: Trình diễn công nghệ canh tác lúa gạo; Triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam; các chuyến đi thực địa giới thiệu đến bạn bè quốc tế những mô hình, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL
. Ông NGUYỄN VĂN ĐÔN, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang):
Dự báo năm 2024 vẫn thuận lợi
Công ty chúng tôi đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2023 từ tháng 10, nay chỉ hoạt động "lai rai" với những đơn hàng nhỏ lẻ, chờ đến vụ đông xuân. Ngoài gạo, chúng tôi còn xuất khẩu nếp sang Trung Quốc, thị trường năm nay khá thuận lợi. Với tình hình thị trường, nhu cầu mua của khách hàng, dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo vẫn tốt, giá gạo vẫn cao. Chúng tôi đang có kế hoạch tham gia vào Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp và đang tìm các HTX để liên kết vì đây là xu hướng.
. Ông NGUYỄN LƯU TƯỜNG - Giám đốc Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất (TP HCM):
Gạo cần đúng giống
"Giải gạo ngon nhất thế giới" tác động nhanh đến thị trường gạo trong nước hơn là xuất khẩu. Tôi theo dõi cuộc thi thấy rằng nhóm tác giả năm nay gửi giống gạo ST25 nhưng có sự cải tiến, không phải giống gạo đang bán phổ biến trên thị trường. Vì vậy, để có gạo ngon như mẫu dự thi ra thị trường phải cần độ trễ. DN của chúng tôi đã xuất khẩu được gạo ST25 sang Mỹ, Singapore, Trung Quốc mang thương hiệu công ty và sản phẩm được trực tiếp đưa lên kệ hàng với giá xuất khẩu từ 1.360 - 1.400 USD/tấn. Tuy nhiên, chúng tôi gặp thách thức khi có nhiều DN khác cũng xuất khẩu gạo ST25 nhưng với giá rẻ hơn nhiều vì pha trộn hoặc không đúng giống. Việc bán gạo ST25 giá rẻ nhưng không chuẩn giống làm ảnh hưởng đến không chỉ thương hiệu gạo ST25 mà thương hiệu gạo Việt Nam.
. PGS-TS DƯƠNG VĂN CHÍN, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:
Tạo phân khúc mới
Với những giống gạo đã giành giải quốc tế cao như: ST25, Lộc Trời 28…, chúng ta đưa cùng phân khúc cạnh tranh với gạo đặc sản Hom Mali của Thái Lan, Basmati của Ấn Độ bán với giá cao, ít nhất 1.000 USD/tấn, để xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, cần xác lập phân khúc gạo trắng hạt dài cao cấp gồm các giống: DT8, Jasmine, OM18, IR50401… ở mức giá từ 650 USD/tấn, tương đương gạo trắng hạt dài 4% tấm của Mỹ chứ không xếp chung vào gạo trắng hạt dài thông dụng như của Ấn Độ hay Thái Lan. Tôi tin rằng năm sau, xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc. Hiện nay, không chỉ thế giới mà Việt Nam, người tiêu dùng giảm ăn gạo, ăn ít nhưng ăn ngon vẫn là xu hướng. Do đó, các giống gạo chất lượng cao của Việt Nam vẫn được thị trường ưa chuộng.